Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh

15 công ty trong lĩnh vực trang trại thông minh Hàn Quốc đã tham gia Tuần lễ Quan hệ Đối tác Tăng cường Việt-Hàn, ký kết tám biên bản ghi nhớ trị giá 2,69 triệu USD với các đối tác Việt Nam.

Vùng sản xuất cây măng tây ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ở xã An Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Vùng sản xuất cây măng tây ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ở xã An Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ngày 18/7 cho biết lĩnh vực trang trại thông minh của Hàn Quốc đang có thêm động lực để thâm nhập thị trường Việt Nam, làm cơ sở mở rộng sang khu vực Đông Nam Á nhờ công nghệ tiên tiến.

Tại cuộc họp báo ở thành phố Sejong ngày 18/7, Bộ chủ quản cho biết Tuần lễ Quan hệ Đối tác Tăng cường Việt-Hàn 2024 (2024 Vietnam-Korea Plus Partnership Week) đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/7.

15 công ty hoạt động trong lĩnh vực trang trại thông minh Hàn Quốc đã tham gia sự kiện và tiến hành 105 cuộc gặp gỡ xúc tiến thương mại với các đối tác Việt Nam. Các bên đã ký kết tám biên bản ghi nhớ trị giá 2,69 triệu USD.

Thông tin cho biết thông qua sự kiện này, giới chức và doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến trang trại thông minh của Hàn Quốc và các công nghệ liên quan.

Đặc biệt, doanh nghiệp trang trại thông minh AVALVE của Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý đặc biệt với phần trình bày về những thành công đã đạt được ở Việt Nam và triển vọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh Hàn Quốc-Việt Nam.

Tháng 11/2022, AVALVE đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh với Trung tâm Kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia Việt Nam (NCFT) và sau đó xây dựng thí điểm trang trại thẳng đứng để trồng mầm nhân sâm tại Việt Nam vào tháng 2/2023.

Cùng với đó, Công ty AFFES trong nỗ lực xuất khẩu mô hình trang trại thông minh Demo Smart Farm, một nhà kính thông minh kiểu mẫu được xây dựng tại Hà Nội và nhận được phản ứng tốt cũng đã ký hợp đồng trị giá 370.000 USD để hoàn thiện một trang trại thông minh ở Indonesia vào tháng Bảy năm nay.

Dự án nhằm mục đích giới thiệu các công nghệ trang trại thông minh tiên tiến của Hàn Quốc ra các thị trường đầy hứa hẹn ở nước ngoài và từ đó đặt nền móng cho các công ty Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm và công nghệ ra thế giới.

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) đã chọn Việt Nam là điểm đến xuất khẩu của Đông Nam Á để quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm, công nghệ trang trại thông minh của Hàn Quốc và xây dựng trang trại thông minh thí điểm tại Hà Nội từ năm 2022. Đây là mô hình trang trại nhà kính khung thép, được trang bị hệ thống kiểm soát môi trường.

Cục trưởng Cục Chính sách Đổi mới Thực phẩm Nông nghiệp của MAFRA Lee Sang-min cho biết: Các nước Đông Nam Á rất quan tâm đến canh tác thông minh vì nó giúp giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các thách thức khác của thời đại mà thế giới đang phải đối mặt.

Các nước khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ phát triển nền nông nghiệp thông minh. Theo đó, Bộ MAFRA sẽ tiếp tục phát triển các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu, mở rộng mạng lưới kinh doanh, tạo đà để doanh nghiệp mở rộng thâm nhập xuất khẩu trang trại thông minh sang khu vực Đông Nam Á.

Tuần lễ Quan hệ Đối tác Tăng cường Việt-Hàn 2024 (2024 Vietnam-Korea Plus Partnership Week) được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh… để đặt nền móng cho hợp tác kinh tế “cộng” Việt Nam-Hàn Quốc trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.