Hàn Quốc: Tiền điện tử TerraUSD và Luna lao dốc kỷ lục hơn 99,99%

Sự lao dốc kỷ lục của TerraUSD và Luna đã khiến hơn 38 tỷ USD của các nhà đầu tư bị thổi bay chỉ trong một tuần, gây ra thiệt hại lớn cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư trong và ngoài Hàn Quốc.
Hàn Quốc: Tiền điện tử TerraUSD và Luna lao dốc kỷ lục hơn 99,99% ảnh 1Sàn giao dịch tiền điện tử Bithumb ở Seoul. (Nguồn: kedglobal.com)

Ngày 27/5, thêm một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực tiền điện tử đã đệ đơn tố cáo những người đồng sáng lập Terraform Labs gian lận gây ra thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Tin tức cho biết đây là nhóm nhà đầu tư thứ 2 đệ đơn kiện lên Văn phòng công tố quận Nam Seoul và cho biết họ đã thiệt hại tổng cộng tới 6,7 tỷ won (5,35 triệu USD).

Theo dữ liệu của chuyên trang về thị trường tiền điện tử CoinMarketCap, khoảng giữa tháng Năm vừa qua, đồng stablecoin (chỉ loại tiền điện tử “neo” giá theo một tài sản thực như đồng USD) TerraUSD và đồng tiền chị em của nó là Luna đã lao dốc hơn 99,99% so với mức cao của chúng.

Diễn biến này “thổi bay” hơn 38 tỷ USD của các nhà đầu tư chỉ trong một tuần, gây ra thiệt hại lớn cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư trong và ngoài Hàn Quốc.

[Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần cảnh giác hơn với tiền điện tử]

Cho tới nay, đã có tổng cộng 76 người đã tham gia vào vụ kiện mới nhất chống lại Giám đốc điều hành Terraform Labs - Do Kwon và người đồng sáng lập Daniel Shin.

Vụ việc này đã khiến chính phủ Hàn Quốc sau đó phải tiến hành xem xét hệ thống luật pháp, tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác toàn cầu để quản lý thị trường tài sản tiền điện tử tốt hơn và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Phó giám đốc Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Kim So-young cho biết do bản chất của tài sản tiền điện tử là phân quyền, ẩn danh và không có biên giới quốc gia, điều quan trọng là Chính phủ Hàn Quốc phải tăng cường hợp tác quốc tế.

Ông Kim cho biết để xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả về tài sản tiền điện tử, Hàn Quốc sẽ xem xét chặt chẽ các quy định pháp lý của các nước và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực đưa ra các biện pháp để điều chỉnh các loại tài sản kỹ thuật số mới có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung.

Sự sụp đổ của TerraUSD và Luna đã gây ra tổn thất lớn cho nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới, làm tăng nhu cầu điều tiết tốt hơn thị trường đang phát triển nhanh và bảo vệ các nhà đầu tư khỏi sự biến động quá mức.

Báo cáo mới nhất của FSC cho biết đã có khoảng 280.000 người dùng tiền điện tử TerraUSD và Luna ở Hàn Quốc. Các khoản nắm giữ được định giá khoảng 33,9 tỷ won (26,8 triệu USD), chiếm 0,08% thị trường tài sản tiền điện tử trong nước.

Thị trường tài sản tiền điện tử đã phát triển với tốc độ nhanh trong giai đoạn gần đây, với các loại tiền điện tử mới liên tục được cung cấp cho các nhà đầu tư.

Nhiều quốc gia hiện đang xem xét tác động của tài sản kỹ thuật số đối với tổng thể hệ thống tài chính, các nhà đầu tư, định hướng chính sách kinh tế và tiền tệ.

Tại Hàn Quốc, hiện có 13 dự luật liên quan đến thị trường tiền điện tử đang chờ Quốc hội thông qua. FSC sẽ tham gia cùng các nhà lập pháp đưa ra các quy định nhằm bảo vệ các nhà đầu tư khỏi sự biến động thất thường của thị trường tài sản tiền điện tử trong tương lai.

Theo cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS), rất ít khả năng sự cố tiền điện tử TerraUSD và Luna sẽ gây ra tác động với thị trường tài chính ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cảnh báo rằng các loại tiền kỹ thuật số như vậy là một khoản đầu tư có rủi ro cao dựa vào "kỹ thuật tài chính" mà không được hỗ trợ bởi bất kỳ tài sản nào. Do đó, loại tài sản này dễ bị tác động bởi các lực lượng đầu cơ vì hiện đang rất thiếu các quy định pháp luật liên quan để kiểm soát rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.