Hàn Quốc trải qua tháng 13 liên tiếp giảm kim ngạch xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 1/2016 chỉ đạt 36,7 tỷ USD, giảm 18,5% so với 45,1 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc trải qua tháng 13 liên tiếp giảm kim ngạch xuất khẩu ảnh 1Dây chuyền sản xuất ôtô Huyndai ở Hàn Quốc. (Nguồn: livemint.com)

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn các số liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 1/2 cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2016 chỉ đạt 36,7 tỷ USD, giảm 18,5% so với 45,1 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng thứ 13 liên tiếp xuất khẩu của Hàn Quốc sụt giảm do tình trạng nhu cầu trên khắp thế giới giảm mạnh và cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2009.

Một thông cáo báo chí của bộ trên cho rằng tình trạng kinh tế toàn cầu sụt giảm, nền kinh tế Trung Quốc chững lại và giá dầu tiếp tục giảm là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng vừa qua cũng giảm 20,1% xuống còn 31,4 tỷ USD.

Do vậy, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 1/2016 ở mức 5,3 tỷ USD, thấp hơn so với 5,8 tỷ USD của tháng 12/2015. Tháng trước cũng là tháng thứ 48 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận tình trạng thặng dư thương mại.

Ngoài ra, theo các số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, thặng dư tài khoản vãng lai năm ngoái đã lên mức 105,96 tỷ USD so với 84,37 tỷ USD của năm 2014. Đây là lần đầu tiên thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc vượt ngưỡng 100 tỷ USD do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu.

Tính riêng trong tháng 12/2015 vừa qua, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc là 7,56 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 và giảm so với mức 9,91 tỷ USD được ghi nhận trong tháng 11/2015.

Tháng 12/2015 cũng là tháng thứ 46 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận tình trạng thặng dư tài khoản vãng lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.