Hãng Boeing đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía nhà đầu tư

Hãng Boeing phải đối mặt một loạt vấn đề trong năm nay, gồm vấn đề về hệ thống điện trên dòng máy bay 737 MAX, trục trặc về thân máy bay dòng 787 và sự chậm trễ về khung thời gian cho dòng máy 777X.
Hãng Boeing đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía nhà đầu tư ảnh 1Biểu tượng của hãng sản xuất máy bay Boeing. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngành hàng không thế giới đang vượt qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất từ trước tới nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ Boeing vẫn còn một danh sách dài những việc cần làm bắt đầu từ năm 2021.

Hãng Boeing phải đối mặt với một loạt vấn đề trong năm nay, gồm các vấn đề về hệ thống điện trên dòng máy bay 737 MAX, trục trặc về thân máy bay dòng 787 và sự chậm trễ về khung thời gian cho dòng máy bay 777X.

Ngoài ra, Boeing phải đối mặt với vô số thách thức liên quan đến sự thay đổi quy định về khí hậu sau hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019, khiến 346 người thiệt mạng và khiến dòng máy bay này phải ngừng hoạt động trong 20 tháng trên toàn thế giới.

Giám đốc điều hành Boeing, Dave Calhoun, trong tuần tới sẽ cập nhật cho các nhà đầu tư về những thách thức mới nhất khi hãng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021.

Đề cập đến việc các nhà đầu tư sẽ tăng cường giám sát kế hoạch của Boeing, chuyên gia phân tích ngành hàng không Ken Herbert thuộc tổ chức dịch vụ tài chính Canaccord Genuity cho hay: “Thật không may cho Boeing vào lúc này, việc tăng cường giám sát là chính đáng.”

[Lãnh đạo cấp cao hàng đầu của Boeing bất ngờ rời bỏ hãng]

CEO Calhoun có thể sẽ thảo luận về triển vọng cho dòng máy bay 787 Dreamliner khi Boeing tiến hành cắt giảm sản lượng vào đầu tháng Bảy sau khi xác định một vấn đề khác với dòng máy bay này.

Trước đó, trong tháng Năm, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chính thức thông báo với hãng Boeing rằng máy bay 777X cần hơn hai năm nữa cho thử nghiệm và phân tích bổ sung để có thể nhận giấy chứng nhận. FAA cho rằng mẫu máy bay trên vẫn “chưa sẵn sàng” để chuyển sang giai đoạn đánh giá tiếp theo.

Trong tháng Tư, Boeing đã thông báo cho 16 hãng hàng không sử dụng 737 MAX về sự cố điện của dòng máy bay này, điều này dẫn đến việc ngừng bay của hơn 100 chiếc MAX.

Các hãng hàng không đã nối lại dịch vụ cho dòng 737 MAX vào tháng Năm sau khi các nhà quản lý chấp thuận đề xuất sửa chữa của Boeing.

Không chỉ có vậy, Boeing cũng đã lùi khung thời gian bàn giao chiếc máy bay “Air Force Once” dành cho Tổng thống Mỹ và nhiều lần “thất hứa” bàn giao máy bay tiếp dầu KC46 cho lực lượng không quân Mỹ.

Những nỗ lực lèo lái để trở lại đúng hướng của Boeing gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nhân sự, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.

Hơn thế nữa, quyết định hợp nhất sản xuất dòng máy bay 787 đến South Carolina (Mỹ) và chuyển hoạt động khỏi bang Washington cũng dẫn đến sự gián đoạn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phần lớn các vấn đề của Boeing xuất phát từ hậu quả của các vụ tai nạn máy bay 737 MAX, khi một báo cáo trước Quốc hội Mỹ trong tháng 9/2020 lưu ý Boeing quá tập trung vào lợi nhuận dẫn đến tổn hại về kỹ thuật.

Cả Boeing và FAA đều đang thay đổi quy trình thủ tục từ các đánh giá về những gì đã xảy ra với 737 MAX./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.