Gần một tháng nay, nhiều hộ dân tại ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, phải đối mặt với tình trạng ngập úng cục bộ khiến hàng chục hecta cây cao su, cây trồng bị ảnh hưởng.
Chị Lê Thị Mùi (sinh năm 1979), một người thuê đất canh tác cao su tại khu vực này chia sẻ: "Tôi thuê một vườn cây cao su khoảng 1.000 gốc với chi phí hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Mùa cạo mủ bắt đầu từ tháng 5 khi trời nắng ráo, nhưng từ đầu tháng 9, do mưa lớn và triều cường, vườn cây bị ngập nước từ 20 đến 50 cm. Chúng tôi không thể cạo mủ được, trong khi giá mủ hiện nay đang tốt, dao động từ (480-510 đồng/độ - đơn vị xác định hàm lượng mủ). Việc không khai thác được mủ vào thời điểm này gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của gia đình."
Không chỉ có chị Lê Thị Mùi, nhiều người dân đang làm kinh tế tại ấp Mương Đào cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Chị Nguyễn Thị Hạ, một người dân khác cho biết: "Nước ngập lâu ngày khiến tôi lo lắng cây sẽ úng rễ, dẫn đến thối và chết. Từ đầu tháng 9 đến nay, tôi mới chỉ cạo được mủ hai lần. Nếu tình trạng ngập kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến mùa vụ mà còn đến cả thu nhập hằng ngày của gia đình."
Theo chị Hạ, tình trạng ngập úng tại khu vực diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng năm nay nước dâng cao hơn, đặc biệt sau những trận mưa lớn đầu mùa. Các hộ dân đều lo lắng nếu nước không tiêu thoát kịp thời, cây cao su có nguy cơ bị hư hại, dẫn đến thiệt hại không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong các mùa vụ tiếp theo.
Nhận được thông tin phản ánh từ người dân, ngày 10/10, phóng viên TTXVN đã liên hệ với Ủy ban Nhân dân xã Long Nguyên để nắm bắt tình hình. Ông Nguyễn Công Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết, từ ngày 10 - 11/10/2024, qua khảo sát tình hình tại 11 ấp trên địa bàn xã Long Nguyên, ghi nhận không xảy ra ngập úng hay thiệt hại lớn do mưa giông. Tuy nhiên có ghi nhận ngập úng cục bộ do mưa lớn và triều cường tại một số vườn cao su tại ấp Mương Đào.
Tình trạng ngập úng tại ấp Mương Đào xảy ra chủ yếu do địa hình trũng thấp và giáp với sông Thị Tính (trước đây là đất trồng lúa nhưng do năng suất thấp, người dân chuyển sang trồng cây cao su và cây ăn trái).
Tình hình thời tiết mưa nhiều, kết hợp với việc hồ Dầu Tiếng xả nước qua tràn theo quy trình dẫn đến nước không kịp tiêu thoát, nhiều vườn cao su của người dân không thể khai thác mủ đúng mùa vụ, gây thiệt hại kinh tế.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, Ủy ban Nhân dân xã ngay lập tức cử cán bộ xuống hiện trường để kiểm tra và ghi nhận tình trạng ngập úng. Theo ông Nguyễn Công Tuấn, có 13,5ha cây trồng bị ngập úng cục bộ, trong đó diện tích cây cao su là 12,5ha và 1ha cây trồng các loại. Qua kiểm tra thực tế có 8 hộ bị ảnh hưởng.
Ủy ban Nhân dân xã đã lập danh sách báo cáo Phòng Kinh tế, cơ quan phòng, chống thiên tai huyện Bàu Bàng để có biện pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy trình.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân xã sẽ báo cáo lên huyện để tìm các giải pháp dài hạn, đảm bảo tiêu thoát nước tốt hơn cho những khu vực trũng thấp như ấp Mương Đào, nhằm tránh tình trạng ngập úng tái diễn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống thoát nước và chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai tại các khu vực nông thôn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng và người dân để triển khai các biện pháp cụ thể, nhằm bảo vệ mùa vụ và đời sống của người dân.
Tiến sĩ Trần Đình Minh, Phó Viện trưởng Viện Cao su Việt Nam cho biết, cây cao su đã được Viện khuyến cáo không trồng trên đất trũng, bị ngập úng thường xuyên, hoặc đất có tầng canh tác mỏng, có chiều sâu mực nước ngầm tính từ mặt đất bị thấp…, vì cây cao su sinh trưởng kém và cho sản lượng mủ thấp.
Đối với đất bị úng, ngập cục bộ do mưa lớn gây ra cần đào mương thoát nước trước khi canh tác cao su, đảm bảo cây không bị ngập úng liên tục trong tối đa 10 ngày tùy giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Việc ngập úng sẽ làm cho cây cao su bị ảnh hưởng khả năng sinh trưởng, thu hoạch mủ, thậm chí chết cây. Nếu bị ngập úng trong thời gian dài, cây sẽ có biểu hiện vàng lá, sau đó rụng lá rồi chết ngọn, chết cành, dần dần chết ngược từ trên xuống gốc, cây không cho mủ.
Trước mùa mưa, ngoài việc khơi mương thoát nước chủ động cho vườn cây khai thác mủ, người dân cần trang bị thêm máng che mặt cạo và máng che tô đựng mủ để duy trì việc thu hoạch mủ thường xuyên trong mùa mưa không bị gián đoạn.
Việc trang bị này rất quan trọng, không những đảm bảo thu nhập cho chủ vườn, còn bảo vệ mặt cạo không bị bệnh, chất lượng vườn cây được đảm bảo thì mới cho sản lượng mủ./.
Một số tỉnh, thành phố đã không còn diện tích lúa và hoa màu ngập úng
Theo số liệu thống kê được từ một số địa phương, diện tích bị ngập lụt, úng khoảng 72.541 ha lúa; trong đó có 10.041 ha ngập trắng, 62.500 ha sâu nước và khoảng 45.172 ha cây trồng bị thiệt hại.