Hàng chục nghìn chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung chờ thí sinh

Hiện có nhiều trường công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng chục nghìn chỉ tiêu. Đây là cơ hội cho các thí sinh có điểm thi đại học đạt từ mức điểm sàn trở lên bị trượt nguyện vọng 1.
Hàng chục nghìn chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung chờ thí sinh ảnh 1Thí sinh vẫn có nhiều cơ hội đỗ đại học nếu trượt nguyện vọng 1. (Ảnh: TTXVN)

Hiện đã có nhiều trường công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng chục nghìn chỉ tiêu. Trong số này, đa phần là các trường nhóm dưới, trường ngoài công lập nhưng cũng có cả những trường nhóm trên và các ngành đào tạo chất lượng cao. Đây là cơ hội cho các thí sinh có điểm thi đại học đạt từ mức điểm sàn trở lên nhưng không đỗ vào trường đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Rộng cửa cho thí sinh

Chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung lớn nhất phải kể đến nhóm các trường đại học ngoài công lập. Hàng loạt trường tư từ Bắc vào Nam như Đại học Đại Nam, Đại học Quốc tế Bắc Hà, Đại học Thành Tây, Đại học Văn Hiến, Đại học Hồng Bàng, Đại học Nguyễn Tất Thành… đều xét tuyển nguyện vọng bổ sung lên đến hàng trăm, hàng nghìn chỉ tiêu mỗi trường. 

Điểm điều kiện để nhận hồ sơ của trường ngoài công lập cũng rất thấp, chỉ ngang bằng mức điểm sàn tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 13 điểm với các khối A, A1, C, D và 14 điểm với khối B.

Bên cạnh xét tuyển bằng điểm dự thi đại học theo kỳ thi ba chung, nhiều trường có phương án tuyển sinh riêng xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và học bạ cấp ba như Đại học Đại Nam, Đại học Hải Phòng, Đại học Thành Tây….

Bên cạnh các trường ngoài công lập thì số lượng chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường công cũng không hề nhỏ.

Tiêu biểu trong số này có thể kể đến các đại học vùng. Đại học Thái Nguyên tuyển nguyện vọng bổ sung cho hơn 100 ngành học khác nhau của các trường thành viên với 3.429 chỉ tiêu bậc đại học và 853 chỉ tiêu bậc cao đẳng. Trong đó, Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh tuyển 285 chỉ tiêu, Đại học Kỹ thuật công nghiệp 620 chỉ tiêu, Đại học Nông lâm 370 chỉ tiêu, Đại học Sư phạm 214 chỉ tiêu, Đại học Y dược 60 chỉ tiêu, Đại học Khoa học 650 chỉ tiêu, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông 850 chỉ tiêu, Khoa Ngoại ngữ 243 chỉ tiêu, Khoa Quốc tế 240 chỉ tiêu…

Đại học Huế cũng tuyển hàng nghìn chỉ tiêu cho các trường thành viên như hơn 600 chỉ tiêu cho Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm 68 chỉ tiêu, Đại học Ngoại ngữ 84 chỉ tiêu và hơn 400 chỉ tiêu hệ cao đẳng.

Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 675 nguyện vọng bổ sung cho 18 ngành học khác nhau ở cơ sở chính. Trường cũng tuyển 350 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Gia Lai, 420 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Ninh Thuận.

Danh sách các trường công xét nguyện vọng bổ sung còn phải kể đến hàng loạt trường khác như Đại học Nông nghiệp với khoảng 2.000 chỉ tiêu, Đại học Đồng Tháp, Đại học Nha Trang, Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên…

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường hầu hết bằng mức điểm sàn tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở cả hệ đại học và cao đẳng.

Hàng chục nghìn chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung chờ thí sinh ảnh 2Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bên cạnh các trường trên, một số trường công lập có điểm chuẩn đầu vào khá cao vẫn xét tuyển nguyện vọng hai. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dành khoảng 1.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy chưa công bố mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ nhưng điểm tối thiểu chắc chắn phải ngang bằng mức điểm xét tuyển nguyện vọng 1 của trường, tức là từ 18 điểm trở lên. Theo lãnh đạo nhà trường, việc dành chỉ tiêu nguyện vọng hai không nhằm lấp đầy chỉ tiêu mà để “vớt” những thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, giúp trường nâng cao chất lượng đầu vào.

Thí sinh cân nhắc chọn trường

Số lượng chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung khá lớn, đồng nghĩa với việc cơ hội đỗ đại học vẫn rất rộng cho thí sinh không may trượt ở nguyện vọng 1. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, thí sinh cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố khi chọn trường.

Với các trường công, tuy công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển khá thấp, nhiều trường chỉ ngang bằng mức điểm sàn tối thiểu, nhưng điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung luôn cao hơn điểm công bố xét tuyển một vài điểm. 

Nguyên nhân là do trường công có học phí thấp hơn, được dư luận xã hội đánh giá cao hơn trường tư về chất lượng đào tạo, nên luôn thu hút được lượng khá lớn thí sinh. Các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu nên để có thể đỗ vào trường, thí sinh phải có điểm thi cao hơn điểm xét tuyển. Khoảng cách chênh lệch giữa điểm thi của thí sinh và điểm điều kiện xét tuyển vào trường càng cao thì tỷ lệ an toàn càng lớn.

So với các trường công, đầu quân vào trường tư thường có tỷ lệ đỗ cao hơn do điểm chuẩn của các trường hàng năm tương đối thấp, chỉ ngang bằng điểm sàn tối thiểu. Tuy nhiên, những trường này có học phí khá cao so với trường công, khoảng trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí có trường học phí lên đến vài triệu đồng.

Bên cạnh vấn đề học phí thì thương hiệu của trường cũng là một vấn đề thí sinh cần tính đến. Với những trường chưa khẳng định được chất lượng đào tạo, thí sinh có thể dễ đỗ nhưng sẽ khó khăn trong tìm kiếm việc làm sau này.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, do số lượng trường tuyển nguyện vọng bổ sung khá lớn nên thí sinh nên khoanh vùng chọn trường theo khu vực, mức điểm, ngành nghề phù hợp, tránh bị rối thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục