Nằm ở độ cao gần 350m so với mực nước biển trên dãy núi đá vôi được hình thành trong quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng nghìn năm, danh lam thắng cảnh hang động Hắt Chuông (bản Huổi Cang, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên gồm địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.
Đây là điểm đến hấp dẫn, thú vị, có sức hút đối với khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.
Để đến được hang động Hắt Chuông, du khách có thể đi ôtô, xe máy theo 3 tuyến đường: Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, qua thị xã Mường Lay, ngược lên quốc lộ 6A khoảng 26km đến xã Pa Ham.
Từ thành phố Điện Biên Phủ, xuôi theo quốc lộ 279 khoảng 80km qua thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A khoảng 54km đến xã Pa Ham.
Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, qua thị trấn Mường Chà 24km rẽ phải theo đường liên xã đến xã Hừa Ngài, đi tiếp 24km đến Quốc lộ 6A, rẽ trái 17km đến xã Pa Ham.
Khi đến xã Pa Ham, du khách sẽ đi xuồng ngược thượng nguồn sông Nậm Mức khoảng 5km sẽ đến địa phận bản Huổi Cang, sau đó đi bộ khoảng 300m là đến được hang động.
Sau quá trình tận hưởng khung cảnh thơ mộng, hùng vĩ khi ngược sông Nậm Mức bằng xuồng máy, du khách sẽ "lạc mắt" vào bạt ngàn rừng tái sinh, khung cảnh thiên nhiên xung quanh hang động trước lúc khám phá, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau khi vào sâu trong hang động.
[Khám phá kiệt tác hang động Thẳm Khến trên cao nguyên đá Tủa Chùa]
Hang động Hắt Chuông có một cửa chính (cao 1,5m, rộng gần 5m) quay về hướng Đông Nam, ba cửa phụ quay về hướng Đông Bắc, tổng chiều dài của hang động gần 260m, chia làm ba khoang với nhiều ngách nhỏ.
Khoang thứ nhất có chiều dài gần 100m, chia làm hai ngách lớn, nơi rộng nhất có kích thước gần 10m, vòm trần cao khoảng 8m. Bên trong là những phiến đá màu vàng, xám, nâu nối tiếp nhau.
Trên trần có một số nhũ đá hình những chùm ngọn đèn, những tấm rèm với nhiều màu sắc bắt mắt. Vách hang động có nhiều dải nhũ đá rủ xuống hoặc uốn lượn mềm mại như những bức rèm nhung, những thác nước lớn, nhỏ nối tiếp nhau.
Trên nền hang động là những ụ đá lớn mang hình tượng những đàn voi, những cột đá, măng đá... Đặc biệt, tại lòng khoang thứ nhất khi nhìn ra, du khách chứng kiến nguồn ánh sáng tự nhiên hắt vào từ một cửa phụ, tạo nên một không gian lung linh huyền ảo, kích thích trí tưởng tượng khám phá của du khách.
Khoang thứ hai có chiều dài hơn 80m, gồm một khoang chính và một ngách nhỏ. Trần hang là những nhũ đá mang hình xoắn ốc, chuông đá, bó lúa, thác nước, chiếc ô, những bức tượng với sự đa sắc trong phối màu. Vách hang động là các gườm đá có màu trắng tinh hoặc vàng óng, dài từ 3-5m đan xen nhau buông xuống như những dải lụa. Nền hang là những khối đá, phiến đá lớn nhỏ nhỏ khác nhau mang dáng hình người thiếu phụ bồng con, nàng tiên đang ngủ, hay những mâm xôi khổng lồ…
Từ vị trí khoang thứ hai này, ánh sáng từ hai cửa phụ hướng Đông Bắc và Đông Nam hắt vào biến không gian trở nên mờ ảo. Trong khoang thứ hai có một khoảng không rộng như một hội trường lớn có sức chứa hàng nghìn người.
Khoang thứ ba có chiều dài gần 70m, rộng từ 5 đến 10m, cao hơn 2m. Trần hang hình vòm cung với vô số những phiến đá màu vàng, nâu, xám trắng và một số nhũ đá nhỏ rủ xuống.
Vách hang động là những khối đá vàng, xám, đen liên kết nhau thành từng khối nhẵn liền mạch, mang một vẻ đẹp riêng biệt khác hẳn so với các khoang trước. Nền hang không khô, tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất đá và một số viên cuội tròn nhỏ.
Theo ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên), nằm trong dãy núi đá vôi cùng với sự hình thành địa chất đã tạo cho hang động Hắt Chuông có các kiểu hệ sinh thái, đặc trưng như hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động.
Hiện nay, hang động còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với sự ưu đãi của thiên nhiên, đa dạng sinh học, hội tụ các giá trị về mặt lịch sử, giá trị về văn hóa, giá trị về mặt khoa học, giá trị về mặt du lịch, thẩm mỹ.
Đặc biệt, hang động Hắt Chuông nằm trên tuyến liên kết phát triển du lịch, kết nối với hệ thống các điểm di tích khác, với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trên sông Nậm Mức đầy thơ mộng, hùng vĩ và các bản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nằm trên quốc lộ 6A còn bảo tồn được những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc. Trên nền tảng điều kiện đó, hang động Hắt Chuông là điểm đến du lịch rất hấp dẫn, tiềm năng.
Ông Màng Văn Nơm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pa Ham cho biết Pa Ham là xã vùng sâu, vùng xa. Toàn xã có bảy bản với tổng số hơn 630 hộ, hơn 3.100 nhân khẩu thuộc bốn cộng đồng dân tộc (Thái, Mông, Kinh và Mường) sinh sống.
Địa bàn xã chủ yếu là đồi núi cao, quy mô kinh tế nhỏ, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nguồn thu nhập chính của đồng bào nơi đây chủ yếu từ trồng lúa nước kết hợp nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Việc phát hiện ra hang động Hắt Chuông mang ý nghĩa vô cùng quan trọng cho địa bàn, bởi hang động Hắt Chuông sẽ là điểm nhấn trong tuyến tham quan các danh lam thắng cảnh hang động Hắt Chuông, hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia năm 2019); qua đó góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, góp phần phong phú thêm các hình thức du lịch, nâng cao dân trí, văn hóa, xã hội của địa phương.
Hang động Hắt Chuông đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1444/QĐ-UBND, ngày 23/12/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên.
Để có cơ sở pháp lý bảo vệ, phát huy tiềm năng, lợi ích trong việc khai thác phục vụ hoạt động du lịch của hang động Hắt Chuông, thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên sẽ khoanh vùng các khu vực bảo vệ I, II nhằm phân định rõ danh giới, phạm vi, quy mô của di tích là cơ sở, pháp lý để bảo vệ các yếu tố cấu thành, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên môi trường sinh thái bao quanh.
Đồng thời, Sở sẽ hướng dẫn địa phương xây dựng các kế hoạch, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, tôn tạo, cắm mốc giới bảo vệ di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích; đào tạo đội ngũ thuyết minh viên hướng dẫn tại điểm di tích.
Danh thắng hang động Hắt Chuông với sự hiện diện của hệ thống nhũ đá nguyên sơ muôn hình, muôn vẻ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt mỹ của tự nhiên; là nơi thỏa mãn niềm đam mê khám phá, trải nghiệm, nghiên cứu của du khách thập phương.
Để giữ gìn, phát huy giá trị hang động Hắt Chuông, các cấp chính quyền địa phương, ngành du lịch tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, đồng thời kết hợp khai thác những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của địa phương một cách thiết thực, nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân./.