Cục Hàng hải Việt Nam chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Hàng hải Việt Nam, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình xây dựng và phát triển ngành hàng hải trong nửa thế kỷ qua.
Nhân sự kiện này phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam xung quanh những thành tựu mà ngành đã đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới.
- Xin Cục trưởng chia sẻ về những thành tựu nổi bật của ngành Hàng hải Việt Nam trong nửa thế kỷ qua?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Trong suốt 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Hàng hải Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Có thể nói một số kết quả nổi bật mà ngành Hàng hải đã đạt được như sau:
Về xây dựng hệ thống pháp luật hàng hải, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động hàng hải, đặc biệt là đối với hoạt động đầu tư, xây dựng và hội nhập với thị trường quốc tế. Đặc biệt ngành đã xây dựng thành công Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990 để điều chỉnh kịp thời thực tế hoạt động hàng hải và yêu cầu hội nhập quốc tế qua các thời kỳ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải chuyên ngành.
Về phát triển đội tàu và hệ thống cảng biển quốc gia, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch đội tàu và cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Vịnh Vân Phong, cảng cửa ngõ khu vực tại Hải Phòng, Vũng Tàu. Đồng thời tích cực tìm nguồn và đề xuất các cơ chế huy động vốn để phát triển đội tàu và hệ thống cảng biển ở Việt Nam.
Đến nay, cơ sở hạ tầng hàng hải tương đối hoàn thiện, cả nước hiện có 44 cảng biển với 219 bến cảng, 45.000m cầu tàu, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn. Về công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng được phát triển trên tất cả các lĩnh vực: đóng, sửa chữa tàu, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo.
Riêng cơ sở đóng sửa chữa tàu hiện có khoảng 120 nhà máy đóng tàu trọng tải trên 1.000 DWT, đóng được hầu hết các loại tàu, bao gồm tàu tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu… Ngành hàng hải cũng đã xây dựng hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống đài thông tin duyên hải hiện có 30 đài, trải đều từ Móng Cái đến Kiên Giang, đủ tiêu chuẩn quốc tế luôn bảo đảm thông tin và truyền thông tin liên tục hướng dẫn, trợ giúp cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Đặc biệt, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính được Cục Hàng hải Việt Nam rất chú trọng. Thời gian vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức rà soát, rút gọn từ 73 thủ tục hành chính xuống còn 60 thủ tục hành chính, nâng cao mức độ cung cập dịch vụ công trực tuyến; kết quả đơn giản hóa đạt 53%, góp phần vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống các trường đào tạo hàng hải cũng được quan tâm và không ngừng phát triển. Hàng vạn sỹ quan, thuyền viên đã được đào tạo, huấn luyện. Hiện cả nước có 45.000 thuyền viên đạt tiêu chuẩn quy định quốc tế.
- Ngành hàng hải đang xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành, vậy những vấn đề chính mà ngành tập trung là gì, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Trong ngành giao thông vận tải, hàng hải có vị trí, vai trò quan trọng, có tính đặc thù, có tiềm năng rất lớn và mang tính quốc tế hoá cao, nhưng chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng.
Hơn nữa, ngành hàng hải với vị trí vừa là đầu mối, vừa là cầu nối về giao thông hàng hải trong nước với các nước trong khu vực và trên thế giới, nên mọi hoạt động của ngành đều có tác động nhất định đối với sự phát triển của cả nền kinh tế quốc dân, nhất là các ngành, các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, kinh tế thương mại, du lịch; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển.
Do đó, việc khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án tái cơ cấu lĩnh vực giao thông hàng hải đến năm 2020 là cần thiết nhằm nhanh chóng tái cơ cấu ngành, đồng thời đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới của đất nước.
Cục Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu, trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải giai đoạn đến năm 2020. Trong đó định hướng tái cơ cấu trong sáu lĩnh vực chính như: Phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế của vận tải biển; Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển đội tàu biển chuyên dùng, tàu có trọng tải lớn; Phát triển kết cấu hạ tầng: huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải. Chú trọng công tác cho thuê, khai thác, chuyển nhượng cầu, bến cảng; Quản lý, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải; Tái cơ cấu doanh nghiệp hàng hải và Tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển hàng hải.
- Là ngành mang tính quốc tế hóa cao, ông có thể chia sẻ quá trình hội nhập kinh tế-quốc tế của ngành hàng hải thời gian qua?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đạt mục tiêu của Chiến lược biển và các nhiệm vụ đặt ra đối với ngành hàng hải, trong những năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải đã chủ động xúc tiến triển khai công tác hợp tác quốc tế và hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của ngành.
Với đặc thù là ngành mang tính quốc tế hoá cao, ngành thường xuyên chủ động tham mưu, đề xuất trình Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ ký kết để Việt Nam tham gia các công ước quốc tế, nghị định thư về hàng hải, các hiệp định hàng hải song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; tích cực triển khai, áp dụng các yêu cầu của điều ước hàng hải quốc tế đối với tàu biển, cảng biển, các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển.
Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế về hàng hải như: Tổ chức Hàng hải quốc tế; Hiệp hội các cơ quan quản lý hỗ trợ hàng hải và hải đăng quốc tế; Diễn đàn các nhà lãnh đạo cơ quan hàng hải châu Á-Thái Bình Dương; Tổ chức Vệ tinh hàng hải quốc tế; Thỏa thuận về Kiểm tra Nhà nước cảng biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Chương trình COSPAS-SARSAT quốc tế và Mạng lưới Dịch vụ cảng biển APEC và tham gia các nhóm công tác chuyên môn về hàng hải của khu vực và thế giới. Việt Nam đã ký Hiệp định với 24 quốc gia trên thế giới và 27 Thỏa thuận công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Công ước STCW.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hàng hải trong những năm tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau: Củng cố, phát triển quan hệ về hàng hải có chiều sâu theo hướng thiết thực với các nước thành viên ASEAN, APEC và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại; tiếp tục mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước trên thế giới; Rà soát, đánh giá về mục đích, tính hiệu quả các chương trình, hoạt động đã triển khai trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký...
- Xin cám ơn ông!