Hãng hàng không Germania Airline ngày 29/8 đã đệ đơn kiện lên một tòa án ở Berlin phản đối việc Chính phủ Đức hỗ trợ khoản tín dụng 150 triệu euro (180 triệu USD) cho hãng hàng không Air Berlin, để giúp hãng này thoát khỏi nguy cơ phá sản và tiếp tục duy trì hoạt động.
Người phát ngôn của tòa án trên xác nhận tòa đã nhận được đơn kiện yêu cầu giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng. Tòa cũng trích dẫn nội dung đơn kiện cho biết nguyên đơn là hãng Germania bày tỏ hy vọng có thể ngăn cản "đối thủ" Air Berlin tiếp cận khoản vay 150 triệu euro trước khi Ủy ban châu Âu (EC) chính thức phê duyệt gói hỗ trợ này.
Bên nguyên đơn cho rằng việc hỗ trợ khoản tín dụng nói trên của Chính phủ Đức không phù hợp với quy luật thị trường. Hãng Germania cũng mong muốn tòa án có thể lật ngược quyết định giải ngân khoản tín dụng trên cho Air Berlin cho tới khi giới chức EC đưa ra phán quyết cuối cùng.
Đơn kiện trên còn trực tiếp nhắm tới các Bộ Tài chính, Kinh tế và Giao thông của Đức. Bên cạnh đó, Chính phủ Liên bang Đức cũng bị cáo buộc có những "ưu ái cục bộ" đối với hãng hàng không Lufthansa khi tạo điều kiện chuyển giao các tài sản có giá trị của Air Berlin cho Lufthansa nhằm giúp nâng cao vị thế vượt trội hiện nay của hãng này trong ngành hàng không dân dụng Đức.
[Vietnam Airlines lọt top 20 hãng có hạng ghế tốt nhất thế giới]
Ngoài ra, hãng hàng không Germania còn cho rằng sự can thiệp nói trên của Chính phủ Đức sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường hàng không và cuối cùng là gây bất lợi cho khách hàng.
Dự kiến, tòa án khu vực Berlin sẽ bắt đầu xem xét đơn kiện trên vào ngày 15/9 tới.
Trước đó, hôm 15/8 vừa qua, Air Berlin đã đệ đơn xin phá sản lên tòa án Berlin-Charlottenburg do làm ăn thua lỗ. Do lo ngại động thái này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hàng không ở Đức, nhất là đối với những hành khách đã đặt vé trước, Chính phủ Đức đã tuyên bố cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp 150 triệu euro để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch đến cuối tháng 11 năm nay.
Cùng với đó, hãng hàng không Lufthansa tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Air Berlin về việc mua cổ phần của Tập đoàn này, cũng như khả năng thuê thêm nhân viên của hãng hàng không lớn thứ hai tại Đức hiện có khoảng 8.600 người.
Trong một động thái khác, hãng hàng không giá rẻ của Ryanair và nhà doanh nghiệp Hans Rudolf Woehrl đã cáo buộc Chính phủ Đức "thông đồng" làm lợi cho hãng Lufthansa sau khi công khai tuyên bố lợi ích mà chính phủ có được nếu Lufthansa mua được các cổ phần có giá trị của Air Berlin./.