Garuda Indonesia - hãng hàng không quốc gia của Indonesia - đang đàm phán với Airbus về việc trì hoãn giao nhận 4 máy bay mới. Trước đó, Garuda Indonesia đã hủy đơn đặt hàng 49 chiếc Boeing 737 Max 8.
Ngày 14/7, phát biểu trong phiên điều trần trước Hạ viện, Giám đốc điều hành của Garuda, ông Irfan Setiaputra, cho biết hãng cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu các hợp đồng thuê máy bay và chấm dứt các hợp đồng không được sử dụng.
Hồi đầu năm nay, ông Setiaputra từng thông báo rằng hãng hàng không này sẽ đưa vào khai thác 4 máy bay Airbus mới được đặt hàng vào năm 2016.
Cũng trong năm 2016, Garuda đã đặt mua 14 chiếc Airbus A330-990 Neo dưới sự chứng kiến của Tổng thống Joko Widodo tại London, Anh. Tháng 11/2019, chiếc A330-900 Neo đầu tiên đã được bàn giao cho Garuda.
Hiện tại, Garuda đang khai thác 204 máy bay, bao gồm 139 chiếc được chính hãng này sử dụng và 62 chiếc do công ty con PT Citilink Indonesia khai thác. Trong số 139 chiếc này, có 105 máy bay thân hẹp và 34 máy bay thân rộng. Ngoài ra, Garuda còn vận hành 181 máy bay thuê, trong đó 20 chiếc dưới dạng thuê mua.
[Mất niềm tin với Boeing, hãng Garuda chuyển sang mua máy bay Airbus]
Cũng tại phiên điều trần, ông Setiaputra thừa nhận rằng Garuda đang tìm hiểu các lựa chọn khác nhau nhằm giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Theo đó, nhằm đáp ứng thị trường trong nước, hãng đã bắt đầu đàm phán với bên cho thuê để trì hoãn hoặc kéo dài thời hạn thanh toán.
Theo báo cáo tài chính năm 2019, Garuda đã vay 1,83 tỷ USD và có mức nợ ròng lên tới 1,53 tỷ USD, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 720,62 triệu USD. Điều này có nghĩa là nợ trên vốn chủ sở hữu của Garuda ở mức khoảng 2,55 lần và tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 214%.
Cũng trong năm 2019, Garuda công bố đạt lợi nhuận hoạt động 147 triệu USD so với mức lỗ 199 triệu USD một năm trước đó. Doanh thu đạt 4,56 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng chỉ vẻn vẹn 7 triệu USD.
Ông Setiaputra cho biết, bên cạnh việc đàm phán lại với các chủ nợ, Garuda cũng tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, hãng hàng không này đang có kế hoạch cắt giảm 20% chi phí vận hành và tìm kiếm một số hình thức hỗ trợ của Chính phủ.
Garuda cũng cố gắng tối ưu hóa số lượng các chuyến bay, tăng năng lực kinh doanh hàng hóa và các chuyến bay hồi hương, đóng các tuyến bay không có lãi, và trì hoãn việc giao nhận 4 chiếc Airbus A330-900 Neo trong năm nay.
Đầu năm 2020, Garuda đã hủy đợt phát hành trái phiếu toàn cầu trị giá 900 triệu USD do chưa nhận được sự chấp thuận từ các cổ đông. Ban đầu, số tiền này dự kiến được dùng để trả khoản nợ đáo hạn 1,68 tỷ USD vào tháng Sáu năm nay.
Lựa chọn cuối cùng được hãng hàng không này tính đến là tìm kiếm các khoản vay ngang hàng bằng đồng USD với tổng trị giá 500 triệu USD./.