Hàng hóa Brazil trở nên cạnh tranh hơn nhờ đồng nội tệ yếu

Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp và Thương mại Brazil Armando Monteiro nhận định việc đồng nội tệ real của nước này giảm giá trước đồng USD sẽ làm cho các sản phẩm của Brazil trở nên cạnh tranh hơn.
Hàng hóa Brazil trở nên cạnh tranh hơn nhờ đồng nội tệ yếu ảnh 1Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp và Thương mại Brazil Armando Monteiro. (Nguồn: cargonews)

Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp và Thương mại Brazil Armando Monteiro nhận định việc đồng nội tệ real của nước này giảm giá trước đồng USD sẽ làm cho các sản phẩm của Brazil trở nên cạnh tranh hơn.

Ông Monteiro cho rằng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế số một Mỹ Latinh sẽ khởi sắc trong 6 tháng cuối năm. Từ đầu năm tới nay, đồng real đã bị phá giá tới 18%, sau khi đã mất giá đáng kể trong năm 2014, khiến giá xuất khẩu các mặt hàng sản xuất trong nước rẻ hơn.

Theo ông Monteiro, ngành công nghiệp Brazil sẽ được hưởng lợi từ việc đồng real bị phá giá sau nhiều năm giữ giá cao.

Nguyên Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp quốc gia (CNI) Monteiro thừa nhận ngành công nghiệp Brazil đã trả giá đắt cho tình trạng nhiều năm giá đồng real luôn ở mức cao so với đồng USD và cho rằng tỷ giá hối đoái hiện tại phù hợp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo thống kê mới đây của Chính phủ Brazil, thặng dư thương mại trong nửa đầu năm 2015 của nước Nam Mỹ này đạt 2,222 tỷ USD, cao nhất trong cùng kỳ của 3 năm gần đây. Năm ngoái, lần đầu tiên trong vòng 14 năm, Brazil thâm hụt thương mại, với mức gần 4 tỷ USD.

Chính phủ Brazil hy vọng với tỷ giá hối đoái thuận lợi như hiện nay và việc Trung Quốc cũng như Mỹ mở cửa thị trường thịt bò cho nước này sẽ góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Ông Monteiro dự kiến cuối năm 2015, nước này sẽ đạt thặng dư thương mại ở mức từ 5 tỷ USD đến 8 tỷ USD.

Bộ trưởng Monteiro cho biết Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia phát triển, đặc biệt là thị trưởng Mỹ và Mexico.

Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp Brazil cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn ngay tại thị trường trong nước mà trong thời gian qua các mặt hàng nhập khẩu chiếm ưu thế.

Cuối tháng Sáu vừa qua, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Dilma Rousseff và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thỏa thuận các biện pháp tăng gấp đôi trao đổi thương mại hiện ở mức hơn 70 tỷ USD/năm trong vòng 8-10 năm tới.

Trước đó, cuối tháng Năm trong chuyến thăm Mexico, bà Rousseff và người đồng cấp Enrique Peña Nieto cũng khẳng định quyết tâm tăng kim ngạch thương mại ở mức 10 tỷ USD hiện nay lên gấp đôi trong vòng vài năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.