Hàng không Hàn Quốc ghi nhận lượng hành khách quốc tế tăng đột biến

Nhu cầu đi lại quốc tế phục hồi đã thúc đẩy số lượng hành khách tăng mạnh khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế biên giới liên quan đến đại dịch COVID-19.
Hàng không Hàn Quốc ghi nhận lượng hành khách quốc tế tăng đột biến ảnh 1Hành khách làm thủ tục tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Các hãng hàng không Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng hành khách quốc tế trong quý 1/2023 tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh biên giới mở cửa trở lại, số liệu của chính phủ vừa công bố cho thấy.

Số lượng hành khách sử dụng các chuyến bay quốc tế do các hãng hàng không Korean Air Lines Co., Asiana Airlines Inc. và các hãng hàng không giá rẻ khai thác là 9,87 triệu lượt hành khách trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023, theo số liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc.

Con số này tăng mạnh so với con số 619.204 lượt hành khách được ghi nhận trong quý 1/2022.

Số lượng hành khách quốc tế sử dụng các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ như Korean Air và Asiana, đã tăng 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước lên 4,47 triệu lượt hành khách trong ba tháng đầu năm nay, chiếm 45% tổng số hành khách quốc tế.

[Các hãng hàng không Hàn Quốc gia tăng chuyến bay quốc tế]

Số lượng hành khách trên các hãng hàng không giá rẻ đạt 5,41 triệu lượt hành khách, tăng vọt so với mức 52.000 lượt hành khách cùng kỳ năm trước, vượt xa con số của các hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ.

Các nhà quan sát thị trường cho biết, nhu cầu đi lại quốc tế phục hồi đã thúc đẩy số lượng hành khách tăng mạnh khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế biên giới liên quan đến đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích dự báo nhu cầu mạnh mẽ sẽ dẫn đến lợi nhuận cao kỷ lục đối với các hãng hàng không giá rẻ, bao gồm T'way Air Co. và Jin Air Co. trong quý 1/2023.

Tuy nhiên, Korean Air và Asiana dự kiến lợi nhuận sẽ sụt giảm trong quý 1/2023 do nhu cầu vận tải hàng hóa giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu các chuyến bay chở khách phục hồi, theo các nhà phân tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.