Ngày 20/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định sự suy giảm kéo dài của giá dầu sẽ buộc các nước phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) phải tiến hành các cải cách về tài chính và có thể phải đi vay mượn để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách.
Moody's đã hạ mức dự báo giá dầu từ 65 USD/thùng xuống còn trung bình 55 USD/thùng trong năm nay và 53 USD/thùng năm 2016.
Triển vọng ảm đảm của giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế của sáu quốc gia GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vì các nước này phụ thuộc tới 90% vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Nhà phân tích cấp cao Steffen Dyck, thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, nói rằng: "Chúng tôi dự báo nguồn thu từ dầu mỏ ngày càng sa sút sẽ thúc đẩy các nỗ lực điều chỉnh chính sách tại các nền kinh tế GCC trong năm 2016, trong đó có việc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và các giải pháp tăng nguồn thu từ các lĩnh vực phi dầu mỏ."
Theo Moody's, UAE đã đi đầu trong nỗ lực điều chỉnh chính sách khi tiến hành tự do hóa giá nhiên liệu ở thị trường trong nước hồi tháng Sáu vừa qua. Kuwait cũng đã bãi bỏ trợ giá đối với dầu diesel và dầu hỏa. Các nước khác trong GCC đang lên kế hoạch hành động tương tự.
Giá dầu đã giảm gần 60% kể từ tháng 6/2014 trong bối cảnh thị trường tràn ngập nguồn cung trong khi nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Theo đánh giá mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do giá dầu trượt dài thời gian qua, các nước GCC dự kiến sẽ mất 300 tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ. Sự sa sút của giá dầu đã khiến tổng giá trị sản xuất dầu mỏ của các nước GCC giảm 11% giai đoạn 2012-2014 xuống còn 685 tỷ USD. Tổng thặng dư tài khỏa vãng lai của nền kinh tế GCC giai đoạn này cũng giảm từ mức gần 25% xuống còn 14% GDP.
Moody's cho rằng toàn khu vực GCC sẽ thâm hụt ngân sách ở mức gần 10% GDP trong năm 2015 và 2016, so với mức thặng dư ngân sách gần 9% GDP ghi nhận được trong giai đoạn 2010-2014.
Theo Moody's, thâm hụt ngân sách của GCC sẽ là trên 140 tỷ USD trong năm nay, do đó các nước trong khu vực này sẽ tính đến khả năng đi vay để bù đắp cho tình trạng thâm thủng tài chính. Tổng nhu cầu vay mượn của các nước GCC sẽ ở mức trung bình 12,5% GDP, tương đương khoảng 180 tỷ USD/năm trong năm nay và năm 2016.
Saudi Arabia và Qatar đã phát hành trái phiếu để huy động tài chính. Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, mới đây đã phải rút hơn 70 tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu để bù đắp ngân sách thâm hụt do giá dầu lao dốc./.