Thành phố Hồ Chí Minh hiện có tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 cao nhất nước với hơn 10.000 em, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, cùng với gần 3.400 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị nhiễm.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là những con số cuối cùng khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Một mái ấm hạnh phúc cho trẻ
Theo Bộ Y tế, tính từ đến ngày 25/9, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 367.000 người mắc COVID-19, trong đó hơn 14.000 người tử vong. Số trẻ em mồ côi vì COVID-19 cao hơn con số 1.500 cho thấy hậu quả nặng nề của đại dịch tại thành phố trong 5 tháng qua.
Trước những mất mát quá lớn, nhất là với trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các cấp chính quyền, đoàn thể cùng các tổ chức xã hội và nhiều cá nhân đã và đang san sẻ, lan tỏa yêu thương; tìm nhiều giải pháp chăm lo, nuôi dưỡng nhằm bù đắp một phần sự thiếu hụt, mất mát của trẻ.
Nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã triển khai nhanh và thường xuyên các túi an sinh xã hội, nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ; trao tặng dụng cụ học tập, sách, vở, máy tính học online, học bổng ngay từ đầu năm mới 2021-2022; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đỡ đầu cho các trẻ về lâu dài đến khi 18 hoặc 22 tuổi.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn này rất quan trọng, giúp trẻ tích cực hơn, đồng thời cần có sự giải thích cho trẻ rõ ràng, dễ hiểu về COVID-19. Cách thức gần gũi, truyền đạt cần đơn giản phù hợp với trẻ nhỏ, thậm chí giải thích theo hướng các câu chuyện để trẻ nắm bắt và chấp nhận một cách tích cực, nhất là trẻ còn nhỏ.
Những người thân trong gia đình thiết lập với trẻ lịch trình, thời khóa biểu ở nhà phù hợp để trẻ cảm nhận sự thoải mái, hài lòng nhưng cũng cần được duy trì những nguyên tắc thói quen hằng ngày. Trường hợp trẻ nhỏ, các nguyên tắc này cần được khích lệ, trao tặng phần thưởng để trẻ thấy việc duy trì dễ dàng và rèn luyện được các hành vi tích cực.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trong giai đoạn này, người thân cần đồng hành, cùng làm điều gì đó trẻ yêu thích hoặc cùng thảo luận về dự án có ý nghĩa.
"Những việc làm này sẽ giúp trẻ gia tăng cảm nhận hạnh phúc và giúp trẻ phát triển các giá trị tích cực trong cộng đồng xã hội," tiến sỹ Công khẳng định.
Qua phân tích tâm lý của trẻ, tiến sỹ Công cũng khuyến khích gia đình dành cho trẻ các cơ hội kết nối, trò chuyện cùng người quen, nhất là các bạn trong lớp; tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận, tham gia các khóa học, câu lạc bộ trực tuyến nhằm giúp trẻ gia tăng tri thức, kỹ năng, cảm xúc và kết nối xã hội tốt hơn.
Đặc biệt, vào năm học mới, gia đình cần dành thời gian hỗ trợ trẻ nhiều hơn; giúp trẻ chuẩn bị sách vở, kết nối đường truyền, tham gia nhóm lớp… để trẻ tự tin hơn trong quá trình học tập.
Tiếp cận ở góc độ quyền trẻ em và cũng là người gắn bó lâu năm với công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích.
"Quyền rất đặc thù của trẻ em là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…," ông Nam khẳng định.
Theo ông Đặng Hoa Nam, trường hợp trẻ mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.
“Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình," ông Nam nhấn mạnh.
Xây dựng chính sách chăm lo lâu dài cho trẻ mồ côi
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dịch COVID-19 khiến trẻ em thành phố phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý, sức khỏe và nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Nhằm trợ giúp cho mọi trẻ em vượt qua giai đoạn dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, thực hiện và phối hợp triển khai các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để hỗ trợ cho trẻ mồ côi và cả trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về lâu dài, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn.
[3 tổ chức phi Chính phủ mở chiến dịch hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19]
Kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp.
Sẻ chia cùng các trẻ em, nhất là trẻ mồ côi vì dịch COVID-19, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách cụ thể; tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng để thành phố xây dựng chính sách chăm lo, nuôi dưỡng, hỗ trợ các trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các em nhân dịp Tết Trung Thu và năm học mới 2021-2022, đồng thời có kế hoạch khảo sát, xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi lâu dài và tốt hơn.
Chia sẻ về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi. Một số trường hợp các em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch, gia đình, người thân chưa ai kịp về để lo các công việc tiếp theo. Do đó, chính quyền cần phải là điểm tựa để lo lắng, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các em nhỏ.
Theo các chuyên gia, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, thành phố cũng cần nghiên cứu thêm các chủ trương, chính sách phù hợp để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ học sinh mồ côi do COVID-19. Bên cạnh đó, học sinh không may bị mồ côi cũng rất cần được quan tâm về dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất…
Có thể nói, đồng hành với trẻ em mồ côi vượt qua mất mát, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất theo chính sách của Nhà nước, những chương trình an sinh của các địa phương đã và đang thực hiện, những hỗ trợ về văn hóa, tinh thần từ cộng đồng với các em là không thể đo đếm, định lượng nhưng cần có tính khoa học và thực tiễn lâu dài.
Vấn đề này đặt ra cho tất cả mọi người và cộng đồng những suy nghĩ, hành động nhằm đồng hành với các em và bằng cách nào đó tốt nhất để các em có thể vượt qua mất mát quá lớn lao lúc này, lớn lên, trưởng thành, hội nhập với cộng đồng./.
Hàng nghìn trẻ em ở TP.HCM mồ côi do COVID-19: Dấu lặng đầu đời
Hàng nghìn trẻ em ở TP.HCM mồ côi do COVID-19: Dang rộng vòng tay