Liên hợp quốc thông báo một chuyến hàng vật tư y tế và thuốc men đã đến bệnh viện Al-Shifa ở phía Bắc Dải Gaza vào ngày 8/11.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng vẫn cần nhiều hàng viện trợ hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.
Trong tuyên bố chung, Giám đốc Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hàng viện trợ đã đến bệnh viện lớn nhất Gaza bất chấp những rủi ro lớn đe dọa các nhân viên và đối tác y tế của Liên hợp quốc do các cuộc bắn phá không ngừng.
Họ nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là đợt cung cấp vật tư y tế thứ hai đến được bệnh viện Al-Shifa kể từ khi cuộc xung đột lần này giữa Israel và Hamas bùng phát cách đây hơn một tháng.
[UNRWA: Tình hình ở phía Bắc Dải Gaza như ‘địa ngục trần gian’]
Mô tả tình hình ở bệnh viện Al-Shifa là "thảm khốc," các quan chức trên nhấn mạnh đợt hàng viện trợ mới nhất vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu to lớn ở Dải Gaza.
Các giường bệnh tại đây luôn trong tình trạng quá tải khi số người bị thương cần hỗ trợ y tế tăng lên mỗi giờ. Các bác sỹ buộc phải điều trị cho bệnh nhân trên hành lang, sàn nhà và thậm chí ngoài trời, trong khi thuốc men và thuốc gây mê sắp cạn kiệt.
Những người đứng đầu UNRWA và WHO kêu gọi khẩn trương cung cấp nhiên liệu cho các cơ quan nhân đạo ở Gaza, cảnh báo không có nhiên liệu, các bệnh viện và cơ sở thiết yếu khác sẽ không thể hoạt động và hậu quả là sẽ có thêm nhiều người tử vong.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người phải sơ tán đã tìm nơi trú ẩn trong các bãi đỗ xe và sân của bệnh viện.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thông báo cửa khẩu Rafah dẫn vào Gaza đã bị đóng lại do "sự cố an ninh" không xác định.
Ông bày tỏ hy vọng cửa khẩu do Ai Cập kiểm soát này sẽ được mở lại "đều đặn" để đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza và các công dân nước ngoài có thể tiếp tục sơ tán.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết theo kế hoạch, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya và đặc phái viên phụ trách các vấn đề nhân đạo khu vực Trung Đông sẽ gặp giới chức Ai Cập và Liên hợp quốc tại Cairo để thảo luận về việc tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo vào Gaza.
Dự kiến, Thứ trưởng Zeya trước tiên sẽ đến Paris (Pháp) trong ngày 9/11. Tại đây, bà sẽ đại diện cho Mỹ tham dự hội nghị nhân đạo quốc tế về Gaza do Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron chủ trì.
Trong diễn biến liên quan, ngày 8/11, giới chức Hà Lan thông báo nước này sẽ điều tàu hải quân chở theo hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, thông báo của lực lượng Hải quân Hoàng gia Hà Lan nêu rõ nước này sẽ đưa tàu tuần duyên MS Holland vào trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và con tàu này sẽ di chuyển tới vùng biển gần Cộng hòa Cyprus vào cuối tháng này.
Đây là hoạt động chuẩn bị cho công tác viện trợ nhân đạo hoặc sơ tán nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, Hà Lan chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vai trò của tàu MS Holland, nhấn mạnh quyết định ở "cấp độ quốc tế" sẽ được đưa ra về việc vận chuyển hàng viện trợ tới Gaza thông qua đường bộ hay đường biển.
Trong khi đó, Tổng thống Cyprus, ông Nikos Christodoulides tuyên bố nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có vị trí địa lý gần Dải Gaza nhất này "sẵn sàng đóng vai trò trong thời gian tới".
Hiện Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đang trên đường tới Israel để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Benjamin Netanyahu. Trước đó, nhà lãnh đạo Hà Lan đã gặp giới chức Qatar ở Doha.
Theo thống kê của Israel, cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra từ ngày 7/10 đã khiến ít nhất 1.400 người ở Israel thiệt mạng.
Trong khi đó, cơ quan y tế của Hamas cho biết cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 10.600 người Palestine ở Gaza, trong đó có 4.324 trẻ em và 2.823 phụ nữ, và làm bị thương hơn 24.000 người khác./.