Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình

Những ngày đầu sau giải phóng, đối mặt nỗi lo thiếu ăn, nguyên liệu sản xuất, những tàn dư chiến tranh, TP.HCM đã đi đầu "xé rào" làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ chế mới.
Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình ảnh 1Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Ngày 2/7/1976, Sài Gòn-Gia Định chính thức vinh dự được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Hành trình 45 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phát huy truyền thống sáng tạo, kiên cường, đổi mới để xứng đáng với niềm vinh dự đó.

Những thành tựu đạt được không chỉ cho chính mình mà còn đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc đổi mới của đất nước suốt 35 năm qua, cũng như định hình nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta.

Nhân dịp tròn 45 năm Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về quá trình vượt khó khăn, vươn lên phát triển mạnh mẽ với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước.”

Bài 1: Vượt lên chính mình

Những ngày đầu sau giải phóng, cùng với vinh dự được mang tên Người, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ nỗ lo thiếu gạo ăn đến nguyên liệu sản xuất, từ những tàn dư nặng nề của chiến tranh để lại. Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để ổn định tình hình để nỗ lực “vượt lên chính mình.”

Từ cái khó…

Sau chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt, nhất là kinh tế kiệt quệ, nạn đói đe dọa và rất nhiều vấn đề phức tạp từ hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại mà thành phố là một địa bàn trọng điểm trên nhiều mặt, các thế lực thù địch tập trung đánh phá.

Với Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc chiến tranh xâm lược và thống trị của thực dân Pháp - đế quốc Mỹ đã đề lại hậu quả rất nặng nề trên nhiều mặt khác nhau. Một thành phố lớn là đô thị trung tâm của cả miền sau ngót hàng trăm năm thống trị của thực dân, đế quốc đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề sau chiến tranh. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội hết sức phức tạp. Những phần tử phản động, chống phá cách mạng vẫn còn ở lại Thành phố.

Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình ảnh 2Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thành phố sau giải phóng với hơn 3 triệu dân, trong đó có đến 500.000 người thất nghiệp, 170.000 thương phế binh, 700.000 người nghèo khổ sống lang thang khắp nơi, hơn 100.000 gái mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 10.000 trẻ em lang thang bụi đời, 10.000 người ăn xin, 200.000 tên lưu manh du đãng, 200.000 trẻ mô côi và có đến 400.000 lính ngụy tan rã là những người thất nghiệp.

[Xuất khẩu của TP.HCM trong nửa đầu năm tăng hơn 5% so với cùng kỳ]

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết những năm đầu giải phóng, Thành phố phải đương đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức rất lớn cả khách quan lẫn chủ quan để bảo vệ, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và khôi phục, xây dựng kinh tế.

Từ nền kinh tế chủ yếu vào viện trợ từ bên ngoài, yếu kém, què quặt, hơn 100.000ha đất bị hoang hóa, chính quyền thành phố vừa phải lo chạy ăn từng bữa cho hơn 3 triệu dân, vừa phải tìm mọi cách để có nguyên vật liệu khôi phục sản xuất và tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), vào cuối năm 1975, Thành phố Sài Gòn-Gia Định có tới 10 vạn dân cần cứu đói khẩn cấp.

Nguyên nhân của thực trạng này do nguồn nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ bên ngoài bị cắt đột ngột, trong khi sản xuất nông nghiệp ở miền Nam không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng.

Công nghiệp thành phố khan hiếm nguyên nhiên liệu, vật tư thay thế; xăng dầu ngày càng khan hiếm… cùng với đó là những cơ chế quản lý gò bó đã làm cho công nghiệp thành phố giảm sút nghiêm trọng. Chỉ số giá cả thị trường tăng lên hàng năm, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

…đến ló cái khôn

Từ thực tế của thành phố những năm đầu sau chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã chăm lo cứu đói, xóa đói, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số ngành công nghiệp nặng… với nhiều cách làm mang tính “xé rào, bung ra” để vượt qua khó khăn.

Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình ảnh 3TP.HCM tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, đặc biệt là khôi phục sản xuất và ổn định kinh tế-xã hội sau giải phóng. Trong ảnh: Công nhân xưởng dệt Vinatexco chủ động khôi phục lại sản xuất từ tháng 10/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để thoát khỏi tình trạng suy thoái và trì trệ, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã chủ động tìm kiếm những biện pháp và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, các xí nghiệp liên kết với các tỉnh để khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, thực hiện kế hoạch sản xuất phụ ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, tăng thu nhập cho người lao động bằng lương khoán; hàng chục ngành cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất gia đình được khôi phục; một số công ty công tư hợp doanh được thử nghiệm thành công... Với những cách làm mới, kinh tế thành phố bắt đầu phát triển, tăng trưởng.

Trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, những suy nghĩ đầu tiên của lãnh đạo Thành phố là dùng nông sản ở thành phố và khu vực thu mua được với giá thỏa thuận, bán ra ngoài thị trường tiểu ngạch lấy ngoại tệ mua nguyên liệu cung cấp cho sản xuất công nghiệp thành phố.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, cách làm này có hiệu quả, từ đó mở rộng ra nhiều mặt hàng, nhiều ngành. Công nghiệp thành phố bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tự khan hiếm, vừa có sản phẩm bán ra có lãi vừa giải quyết được thất nghiệp cho công nhân.

Cùng với đó, trước tình hình căng thẳng trong vấn đề lương thực phục vụ cho đời sống nhân dân, Thành phố cho thành lập các tổ thu mua lương thực ngoài kế hoạch ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc trao đổi lương thực với xăng dầu, vải, thuốc trị bệnh…

Trên cơ sở này, Thành phố xin thành lập Công ty kinh doanh Lương thực đầu tiên của cả nước và từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp lương thực. “Một quyết định táo bạo, đầy trách nhiệm của Thành phố nhằm giải quyết cho đời sống nhân dân,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực xã hội, chính quyền cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã thực hiện chính sách nhân đạo rất độc đáo của Việt Nam đối với binh sỹ chế độ có không có cảnh “tắm máu" trả thù như Mỹ - ngụy đã hù dọa. 400.000 bình lính chế độ cũ đã trở về đời sống công dân bình thường sau ba ngày học tập đường lối, chính sách cách mạng.

Cũng chính qua phát động quần chúng sâu rộng từ cơ sở, thành phố đã xây dựng và củng cố được chính quyền cách mạng các cấp ngay những ngày đầu giải phóng.

Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất năm 1976 có 97% cử tri tham gia, trong đó có 93% binh lính chế độ cũ đã được phục hồi quyền công dân, và tiếp sau, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp thành phố, quận huyện, phường xã đầu năm 1977 là những đợt vận động dân chủ sâu rộng trong quần chúng, những sự kiện chưa từng có trong thành phố.

Những sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn này đã phát huy tác dụng tích cực trong việc giải phóng sức sản xuất, động viên nhiệt tình lao động của quần chúng nhân dân, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn gay gắt trong xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu "xé rào","bung ra" để góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ chế mới, cùng cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.