Gia đình "khuyết"

Hành trình tìm hạnh phúc của những gia đình "khuyết"

Không chỉ là những gia đình đủ đầy vợ chồng-con cái, xã hội hiện đại còn hiện diện gia đình bố (mẹ) đơn thân, gia đình  người đồng tính...
Một gia đình “điển hình” trong xã hội hẳn nhiên phải có quan hệ hôn nhân giữa hai người khác giới, họ sinh ra những đứa con, chung sống với nhau, chia sẻ về kinh tế, nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhưng cuộc sống thay đổi, giờ đây không chỉ có những mô hình gia đình “điển hình” mà còn rất nhiều hình thức gia đình khác nhau. Họ là những gia đình với bố hoặc mẹ đơn thân, gia đình với đa văn hóa, gia đình chỉ gồm ông bà cháu, gia đình người khuyết tật, gia đình của những người đồng tính, gia đình những người có HIV, gia đình không cùng huyết thống… Các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã tổ chức một “Ngày hội gia đình” cho những mô hình gia đình đặc biệt đó vào ngày 28/6. Một triển lãm sống với câu chuyện có thật của những mô hình gia đình khác biệt tạo nên sự thú vị và ấn tượng mạnh đối với những người tham dự. “Của đề dành” cho bà mẹ đơn thân Chị Phùng Thị Hậu (45 tuổi, ỏ Ba Vì, Hà Nội) không chỉ là một người mẹ đơn thân, chị còn là một người bị khuyết tật vận động. Chị Hậu sinh ra trong một gia đình chẳng khá giả gì, lớn lên với những khiếm khuyết ở chân nhưng chị vẫn chấp nhận số phận để sống cho trọn vẹn một cuộc đời. Những dị nghị, bàn tán của người xung quanh đã tạo ra những khoảng cách khó lòng xóa nhòa trong chị để có thể tìm đến hạnh phúc với một người đàn ông. Nhưng khát khao có một đứa con cho "vui cửa vui nhà" đã thúc giục chị Hậu tự xây dựng cho mình một mái ấm riêng. Chị đã đi “xin” được một bé trai kháu khỉnh và đã có một gia đình đầm ấm kể từ ngày ấy. Giờ đây, con trai Phùng Vũ Nam của chị đã 12 tuổi. Cuộc đời chẳng mấy khi chiều lòng ai và cũng không cướp hết của ai bao giờ, không chồng nhưng bù lại chị đã có một bé trai kháu khỉnh, là động lực để chị sống tiếp và vươn lên. “Trước đây, sống một mình thế nào cũng được, làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Giờ có cháu, tôi không thể sống như trước được. Đã thiếu tình cảm của cha, tôi không muốn đứa con của mình khi khôn lớn lại bị thiếu thốn về vật chất,” chị Hậu tâm sự. Dù khó khăn trong đi lại nhưng chị Hậu làm đủ nghề để sống và chắt chiu nuôi con, từ nghề may đến đi buôn bán ở chợ. Đối với chị Hậu, bé Nam là “của để dành”, là “tài sản” khi một mai chị già yếu, không thể lo cho mình, một người khuyết tật như chị có thể có một nơi vững chắc để nương tựa. Không phụ lòng mẹ, chị Hậu kể rằng Nam không bao giờ để mẹ phiền lòng về mình mà rất chăm chỉ giúp mẹ việc nhà và nghe lời mẹ. Dù mẹ phải đi xa vì công việc, Nam cũng rất ngoan và ít khi làm chị lo lắng. Trong bức thư gửi cho mẹ, Nam viết: “Mẹ yêu quý ạ! Con muốn nói với mẹ nhiều điều, mẹ tần tảo sớm chiều nuôi con, chăm cho con từng tháng từng ngày. Lưng mẹ còng dần giúp con cao hơn. Mẹ yêu, mẹ hãy mãi ở cạnh con và con chỉ có mẹ là điểm tựa cuộc đời. Con yêu mẹ! Con tặng mẹ!”
Hành trình tìm hạnh phúc của những gia đình "khuyết" ảnh 1
Bé Phùng Vũ Nam bẽn lẽn bên mẹ trong Ngày hội gia đình 28/6. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Mặc dù còn nhiều chông gai vì chưa có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống ngập trong khó khăn vì một mình chị phải tự “chèo lái” gia đình nhỏ, nhưng chị Hậu tin rằng, niềm tin vào sự yêu thương sẽ là động lực sẽ giúp hai mẹ con vượt qua những khó khăn phía trước. Mỗi gia đình, một con đường tìm hạnh phúc Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai, giảng viên môn Văn hóa gia đình trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong xã hội hiện đại, con người hướng tới xây dựng gia đình khác nhau. Tính cá nhân nổi trội hơn tính cộng đồng và hạnh phúc cá nhân được coi trọng hơn. Đó là lời lý giải cho hiện tượng ngày có nhiều kiểu mô hình gia đình khác biệt. “Mỗi kiểu loại gia đình có một lối đi tìm kiếm hạnh phúc và quan niệm về hạnh phúc không giống nhau, không thể lấy quan niệm của người này soi chiếu lên người khác. Hạnh phúc là có mình trong người khác và có người khác ở trong mình. Mình yêu thương và được yêu thương,” bà Nguyễn Hồng Mai nói. Đối với lo lắng về sự phát triển của trẻ em trong những mô hình gia đình khác biệt, bà Nguyễn Hồng Mai cho rằng mô hình gia đình không hoàn toàn quyết định nhân cách trẻ em. Con cái của một gia đình không theo mô hình gia đình chuẩn không có nghĩa là sẽ không phát triển tốt được như con cái của những gia đình bình thường khác. “Việc hình thành nhân cách trẻ em phụ thuộc vào chất lượng môi trường sống chứ không phụ thuộc vào việc đầy đủ bố mẹ hay không. Dù có đầy đủ bố mẹ nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ em.” bà Nguyễn Hồng Mai nói. Dù gia đình khác biệt đến đâu nó cũng tồn tại những mâu thuẫn chung của các gia đình, nó cũng đòi hỏi các thành viên phải cố gắng. Dù gia đình  nào cũng cần phải “lao động” cho nó, cứ ngơi nghỉ “lao động” sẽ có những mâu thuẫn phát sinh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Mai cũng thừa nhận, những gia đình khuyết tật, đồng tính, có HIV… họ sẽ vất vả hơn bởi sự mặc cảm của chính họ và sự kỳ thị của cộng đồng, vì vậy họ khó khăn hơn so với các gia đình khác. Mặc dù, xã hội đang cố gắng khắc phục nhưng không dễ thay đổi ngay được. Như bất cứ mô hình gia đình “điển hình” khác, những thành viên trong gia đình khác biệt cũng ở cạnh nhau, chăm sóc và sẻ chia, cố gắng vượt qua những buồn vui, khó nhọc. Ở đâu có yêu thương nơi đó có gia đình, dù cách này hay các khác, chỉ có tình yêu thương giữa các thành viên trong một gia đình mới là điều quyết đinh một gia đình có hạnh phúc, đầy đủ hay không./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục