Hậu Giang: Gạo sạch Vị Thủy dần tạo được chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” của hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu.
Hậu Giang: Gạo sạch Vị Thủy dần tạo được chỗ đứng trên thị trường ảnh 1Lãnh đạo hợp tác xã Tân Long kiểm tra cánh đồng lúa sạch Thu Đông 2020. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Với mục tiêu thay đổi thói quen canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn, hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang xây dựng những cánh đồng lúa không sử dụng thuốc hóa học.

Đến nay, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” của hợp tác xã đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường và đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh với nhiều tiềm năng phát triển.

Thay đổi phương thức canh tác

Những cánh đồng lúa của hợp tác xã Tân Long, ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, hiện đang trong giai đoạn trổ.

Với 51 thành viên, sản xuất trên diện tích 59ha, đây là năm thứ 2, hợp tác xã thực hiện sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.

Trước khi bước vào vụ mới, các công đoạn xử lý đất, diệt cỏ, cách ly thuốc hóa học đều được thực hiện rất kỹ lưỡng. Hạt giống cũng không dùng chất kích thích nảy mầm mà được ngâm và lên mộng tự nhiên.

Trong quá trình canh tác, nông dân chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Kể về những bước đầu tiên của con đường sản xuất gạo hữu cơ, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, cho biết trước đây, hợp tác xã trồng lúa theo thói quen canh tác lâu năm, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vốn đầu tư nhiều, đất bị ô nhiễm, sức khỏe bị ảnh hưởng sau mỗi vụ lúa nhưng giá trị của hạt gạo lại không tăng.

Từ đó, ban lãnh đạo hợp tác xã đặt vấn đề tại sao không sản xuất theo nhu cầu xã hội, đó là nhu cầu sử dụng lương thực chất lượng, không gây ảnh hưởng sức khỏe sau này và quyết định chuyển hướng sang sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học từ năm 2019.

Việc chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, bởi bà con chưa quen với cách thức canh tác mới, năng suất của lúa hữu cơ cũng không cao như lúa vô cơ.

[Nâng cao chất lượng để gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường]

Tuy nhiên, từ thành công của những vụ lúa đầu tiên và nhận thấy những lợi ích về sức khỏe, môi trường của việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đến nay, thành viên trong hợp tác xã rất ủng hộ cách làm mới và áp dụng thuần thục quy trình VietGAP.

Có 5,2ha lúa áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, ông Châu Thanh Bạch, thành viên Hợp tác xã Tân Long chia sẻ từ khi áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, với việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì trong quá trình canh tác còn bảo vệ tốt sức khỏe cho người nông dân vì không sử dụng hóa chất; việc ô nhiễm chất hóa học trên đất canh tác cũng được hạn chế nhiều.

Công chăm sóc của cách canh tác mới cũng nhẹ hơn do mỗi vụ chỉ phun thuốc hữu cơ 2 lần nhưng vẫn kiểm soát hầu hết các bệnh trên lúa.

Một cách chăm sóc lúa độc đáo trong quá trình canh tác của hợp tác xã Tân Long là việc nông dân sử dụng hỗn hợp sữa tươi và trứng gà sống để phun phòng ngừa dịch hại.

Theo bà con nông dân, hỗn hợp trên giúp lá lúa dày và to thêm nên sâu không cuốn được lá lúa, thu hút được nhiều thiên địch bảo vệ cây lúa.

Không chỉ thành viên hợp tác xã, những người sống nhờ nghề phun thuốc mướn tại địa phương cũng đồng tình với việc canh tác lúa hữu cơ. Bởi họ là những người chịu ảnh hưởng rõ nhất khi sử dụng thuốc hóa học.

Nếu như trước đây, người nông dân chỉ lấy sản lượng, năng suất làm thước đo cho hiệu quả phương thức canh tác thì nay, giá trị của sản phẩm đang trở thành tiêu chí để những thành viên hợp tác xã đánh giá và cũng là cơ sở để hợp tác xã vận động nông dân liên kết, chuyển đổi theo hướng sản xuất hữu cơ.

Theo thống kê qua những vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa sản xuất theo hình thức hữu cơ đạt trung bình từ 5,2-5,5 tấn/ha, chỉ thấp hơn sản xuất lúa vô cơ từ 0,5-0,8 tấn/ha nhưng giá thành bán ra cao hơn khoảng 500 đồng/kg, chi phí đầu tư cho 1ha lúa cũng giảm được từ 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ.

Như vậy, tính bình quân nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.

Tiềm năng gạo sạch

Lúc mới hình thành, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo sạch Vị Thủy; điều kiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cũng không đảm bảo do kinh phí của hợp tác xã vẫn còn hạn chế.

Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm gạo sạch, lãnh đạo huyện Vị Thủy đã động viên, hỗ trợ hợp tác xã về truy xuất nguồn gốc, bao bì để từng bước trở thành sản phẩm OCOP.

Đến nay, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” của hợp tác xã đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu.

Sản phẩm cũng vừa được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và trở thành sản phẩm đầu tiên của huyện Vị Thủy được chứng nhận OCOP cấp tỉnh.

Hậu Giang: Gạo sạch Vị Thủy dần tạo được chỗ đứng trên thị trường ảnh 2Lãnh đạo hợp tác xã Tân Long kiểm tra cánh đồng lúa sạch Thu Đông 2020. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP như là đòn bẩy để “Gạo sạch Vị Thủy” tiếp cận nhiều thị trường hơn.

Ngoài những đơn đặt hàng làm đại lý phân phối của các công ty, người tiêu dùng tại các tỉnh trong khu vực gọi điện tìm đến mua sản phẩm thì hợp tác xã cũng được Sở Công Thương hỗ trợ kết nối với Co.opmart để chuẩn bị đưa sản phẩm vào siêu thị.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, phấn khởi nói: “Khi sản phẩm gạo sạch được hội đồng OCOP cấp tỉnh thống nhất công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP và được giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian ngắn gần đây, sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Từ nhu cầu thị trường lớn, sắp tới, hợp tác xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ để tạo ra sản phẩm gạo sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường. Dự kiến trong vụ lúa Đông Xuân tới, hợp tác xã sẽ liên kết khoảng 1.200 ha lúa sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm.”

Ông Thích cũng cho biết thêm trước mắt, hợp tác xã sẽ sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có doanh nghiệp hỗ trợ xuất khẩu thì tiếp tục mở rộng. Phương châm sản xuất của hợp tác xã là sản xuất theo năng lực hợp tác xã và nhu cầu thị trường, thị trường nhu cầu tới đâu sẽ mở rộng diện tích tới đó chứ không làm ồ ạt để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, các giống lúa được thành viên hợp tác xã Tân Long sử dụng để canh tác là ST 24, ST 25, OM 18 và OM 5451.

Hợp tác xã dự kiến sẽ khép kín vùng trồng, chia khu vực đất phù hợp từng loại giống và trồng giống lúa chất lượng cao tại những vùng đất đã được xử lý bớt tồn dư chất hóa học.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy, ông Trương Trần Trọng Hiếu cho biết trong thời gian qua, mô hình gạo sạch của hợp tác xã Tân Long đã cho thấy hiệu quả bước đầu, được huyện định hướng xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh đầu tiên của huyện.

Địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ phân bón, lúa giống cho hợp tác xã; phối hợp Liên minh hợp tác xã tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cầu nối cho hợp tác xã xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy thông tin thêm thời gian tới, huyện sẽ làm việc với các ngành chuyên môn tìm nguồn vốn hỗ trợ cho hợp tác xã như vốn từ dự án VnSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam).

Khi được dự án VnSAT đầu tư, huyện sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, sân phơi cho hợp tác xã với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng.

Đồng thời, huyện sẽ định hướng cho hợp tác xã về bao tiêu sản phẩm, mở rộng diện tích thêm khoảng 1.000 ha theo từng giai đoạn để xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch trên địa bàn huyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục