Hậu Giang lần đầu tiên tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi tham vấn nhiều ý kiến của cơ quan chuyên môn, đề xuất thời gian tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tại Hậu Giang từ 12-15/12 tới.
Hậu Giang lần đầu tiên tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo ảnh 1Thu hoạch lúa Hè Thu 2023 tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 30/8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Trung làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc chuẩn bị Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào cuối năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên đã được Trung ương thống nhất tổ chức tại tỉnh Hậu Giang.

Sắp tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang sớm quyết định thời gian tổ chức Festival để triển khai các công việc tiếp theo, vì thời gian chuẩn bị từ nay đến cuối năm không còn nhiều.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi tham vấn nhiều ý kiến của cơ quan chuyên môn, đề xuất thời gian tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tại Hậu Giang từ ngày 12-15/12 tới.

[Lúa gạo được giá, Hậu Giang tập trung xuống giống vụ Thu Đông] 

Theo đó Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023, với chủ đề “Hành trình trăm năm lúa gạo Việt,” sẽ có các hoạt động lễ hội, hội thảo, hội thi, xác lập kỷ lục với mục đích khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cùng với đó, Festival dự kiến có hơn 700 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ẩm thực các món ngon từ gạo; giới thiệu các loại máy, thiết bị bay phục vụ sản xuất lúa,…

Một trong những điểm nhấn của Festival là con đường lúa gạo Việt Nam được sắp đặt với những mô hình được dự kiến bố trí trải dài kênh xáng Xà No. Mỗi mô hình được bố trí, sắp đặt mang mang những thông điệp ý nghĩa riêng, phản ánh trí tuệ Việt, bản sắc văn hóa của người Việt trên con đường phát triển ngành lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Con đường lúa gạo cũng thể hiện quá trình phát triển trồng lúa Việt Nam từ khi thiếu đói đến đất nước xuất khẩu lúa đứng nhất, nhì thế giới; thể hiện chuyển từ tư duy sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo; giới thiệu những mô hình tích hợp “lúa-tôm,” “lúa-cá,” “lúa-màu,” đã đạt được mục tiêu tối thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và cải thiện thu nhập, nâng cao năng lực, vị thế cho người nông dân trồng lúa ở Hậu Giang và các địa phương trong vùng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết các ngành có liên quan của tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành liên quan của Trung ương trong việc triển khai những công việc tiếp theo, đảm bảo tổ chức thành công và đạt được những mục tiêu mà Festival lúa gạo lần này đề ra.

Đến nay, ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang đã xây dựng dự thảo lần thứ 4 về kế hoạch tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam; dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức; đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan của tỉnh phối hợp thực hiện những văn bản của Văn phòng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cũng như tổ chức họp với các công ty tổ chức sự kiện trong việc đưa ra ý tưởng thực hiện Festival lúa gạo mang tầm quốc tế tại tỉnh.

Festival cũng là một trong các chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004-1/1/2024). Từ đó, Hậu Giang tuổi 20 sẽ giới thiệu, quảng bá về sản phẩm nông nghiệp, lúa gạo của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhất là khẳng định quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Hậu Giang từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và đời sống nhân dân, các thành tựu phát triển của tỉnh trong đó có lĩnh vực nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.