Theo văn bản 7080/VPCP-KGVX, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2022 về việc báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của từng thời kỳ.
Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hưởng trợ cấp xã hội đã được hỗ trợ
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc mà Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, nhất là các nguyên tắc: đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách; hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hưởng trợ cấp xã hội đã được hỗ trợ. Trong tổ chức thực hiện, mặc dù các nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được cơ quan chức năng quản lý, theo dõi thường xuyên, nhưng công tác rà soát, lập danh sách vẫn được các địa phương thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, hạn chế tối đa tình trạng trùng, lặp và lợi dụng chính sách. Các địa phương đã chi đầy đủ, cơ bản kịp thời tới 100% đối tượng kê khai trong danh sách.
Một bộ phận người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khó khăn nhất, thu nhập bị giảm sâu đã được hỗ trợ (là hộ kinh doanh cá thể, lao động bị nghỉ việc không lương; mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn chuẩn cận nghèo, làm công việc nhỏ lẻ trong khu vực phi chính thức).
[Dịch COVID-19: Chi 45.600 tỷ đồng phòng chống dịch và hỗ trợ người dân]
Đối với các đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, việc rà soát, lập danh sách được tiến hành từ tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường với sự tham gia tích cực, ngay từ đầu của các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư bình xét, kết quả được công khai danh sách tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố nên mặc dù việc xác định đối tượng rất khó khăn, nhạy cảm nhưng đã hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn.
Hỗ trợ đúng đối tượng
Các chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ ở Việt Nam; phương thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với số lượng đối tượng lớn, địa bàn triển khai rộng, nhiều đối tượng mới, phức tạp (như người lao động, bao gồm cả người lao động phi chính thức, hộ kinh doanh); ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản việc thực hiện chính sách hỗ trợ là đúng đối tượng; chưa ghi nhận hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách, tình trạng chi sai ngân sách nhà nước, vi phạm phải kỷ luật và thu hồi ngân sách.
Chính sách của Chính phủ đã tạo cơ sở để các địa phương chủ động, linh hoạt ban hành chính sách hỗ trợ riêng tùy theo điều kiện đặc thù; đồng thời có cơ sở ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo.
Qua hơn 1 năm nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thêm kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ để vừa đối phó các tình huống cấp bách tương tự trong tương lai một cách có hiệu quả hơn, vừa tăng cường nhận thức về các điều kiện có thể bảo đảm tính bền vững, toàn diện của chính sách an sinh xã hội trong dài hạn./.