Hậu trường xử lý kỹ xảo hình ảnh trong phim truyền hình Việt

Điểm nhấn của “Thương nhớ ở ai” - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” - là khoảng 2.000 cảnh sử dụng kỹ xảo hình ảnh nhằm phục dựng bối cảnh nông thôn Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Một trong những điểm nhấn thú vị của bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” là 2.000 cảnh sử dụng kỹ xảo hình ảnh nhằm phục dựng bối cảnh nông thôn Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, đoàn làm phim đã mất khoảng hai năm để xử lý hậu kỳ, để khán giả có thể cảm nhận rõ nét và chân thực nhất không gian làng quê Bắc Bộ trong quá khứ với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi…

“Thương nhớ ở ai” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” (Dương Hướng). Phim lấy bối cảnh là một làng quê Việt Nam nghèo khó trong giai đoạn 1954-1975 với những người nông dân lam lũ.

Diễn viên Thanh Hương vào vai một ca nương ở "xóm không chồng" trong "Thương nhớ ở ai." (Ảnh: VFC)

[‘Thương nhớ ở ai’: Thân phận người phụ nữ nơi ‘Bến không chồng’]

Thông qua hình ảnh những nhân vật nữ (như Nhân, Hơn, Hạnh…), êkíp làm phim muốn khắc họa thân phận, cuộc sống chồng chất bi kịch của những phụ nữ ở nông thôn Việt Nam giai đoạn này. Trải qua chiến tranh, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông. Ở đó chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng.

Cùng với sự đeo đẳng của nỗi đau mất người thân, cuộc sống của họ còn bị trói buộc bởi những định kiến hà khắc và những hủ tục lạc hậu. Những khát khao hạnh phúc cá nhân phải chôn chặt trong lòng, những ước vọng bị đè nén, những giọt nước mắt lặn sâu vào trong…

“Thương nhớ ở ai” dài 34 tập, được phát sóng lúc 14 giờ 30 thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần (bắt đầu từ ngày 4/11) trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam./.

"Thương nhớ ở ai" là câu chuyện về thân phận những người phụ nữ nơi "Bến không chồng." (Ảnh: VFC)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục