HĐND thành phố Đà Nẵng: Nóng vấn đề xử lý rác thải, dự án đội vốn

Các đại biểu đã chất vấn về nhiều vấn đề “nóng” tồn tại thời gian qua tại Đà Nẵng như xử lý rác thải, nước thải; cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký đất đai...
HĐND thành phố Đà Nẵng: Nóng vấn đề xử lý rác thải, dự án đội vốn ảnh 1Quang cảnh Kỳ họp. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 16/12, tại Kỳ họp thứ 4 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Các đại biểu đã chất vấn về nhiều vấn đề “nóng” tồn tại thời gian qua tại Đà Nẵng như xử lý rác thải, nước thải; cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký đất đai; thu hồi các khu đất công đã hết thời hạn cho thuê; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; trách nhiệm trong việc xảy ra tình trạng đội vốn gấp nhiều lần tại các dự án giao thông...

Nhiều dự án đội vốn

Đại biểu Lê Văn Dũng (quận Hải Châu) và đại biểu Lê Thị Như Hồng (quận Cẩm Lệ) cho rằng hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều dự án cầu đường chậm được triển khai, đội vốn gấp nhiều lần trong quá trình thực hiện.

Đơn cử, dự án tuyến đường ĐH2 tăng từ 88 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng, tuyến đường Vành đai phía Tây tăng từ 85 tỷ lên 359 tỷ đồng, đường Vành đai phía Tây 2 tăng từ 87 tỷ lên hơn 1.800 tỷ đồng...

Các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng về nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục vấn đề này.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, tăng vốn tại nhiều dự án trên chủ yếu do tăng do tăng giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trước đây, khi lập chủ trương đầu tư tại một số dự án, các Ban Quản lý, Ban Giải phóng mặt bằng không có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lập khái toán, dự toán kinh phí đền bù, tái định cư, thiếu chính xác nên đã phát sinh kinh phí lớn, thiếu quỹ đất tái định cư.

Nhiều dự án có thời gian chuẩn bị kéo dài (như dự án đường ĐH2 được chuẩn bị từ năm 2017 nhưng đến 2019 mới triển khai), mà giá đất tăng rất nhanh nên giá trị thực tế chênh lệch rất lớn so với giá đền bù. Việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng kéo theo thời gian triển khai dự án bị dài.

HĐND thành phố Đà Nẵng: Nóng vấn đề xử lý rác thải, dự án đội vốn ảnh 2Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm trả lời chất vấn. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất về việc các bên phải phối hợp chặt chẽ để tính toán khối lượng đền bù cho đúng, hiện thành phố đã chính thức giao cho các quận, huyện chủ trì, chịu trách nhiệm trong việc đền bù, giải tỏa dự án.

Để tránh bị kéo dài thời gian thi công do vướng giải tỏa, đền bù, hiện nay thành phố cũng đã có quyết định yêu cầu các Ban quản lý có mặt bằng thi công đảm bảo tối thiểu 30% mới tổ chức đấu thầu dự án.

[Đà Nẵng: Đề xuất giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH]

Sau khi nghe phần trả lời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị làm rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ, đội vốn tại các dự án đang triển khai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, tùy theo mỗi dự án sẽ có nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể từ Ban Giải phóng mặt bằng, ban quản lý, chủ đầu tư... và sở sẽ có báo cáo chi tiết từng dự án gửi Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng sau kỳ họp.

Quan tâm vấn đề xử lý rác thải, công tác đăng ký đất đai

Cũng trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng về công tác đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Theo ông Tô Văn Hùng, thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng là khoảng 1.100 tấn/ngày (trên 350.000 tấn/năm), tỷ lệ thu gom đạt khoảng 95%, hiện đang xử lý bằng công nghệ truyền thống là chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn.

Tháng 7/2021 thành phố đã đưa vào vận hành Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn và vận hành thử nghiệm Trạm Xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 để đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước rỉ rác. Với năng lực xử lý như hiện tại thì dự kiến có thể vận hành bãi chôn lấp Khánh Sơn tới cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Còn đối với dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt 1.000 tấn/ngày theo hình thức đối tác công tư - PPP được đề xuất từ năm 2017, đến năm 2020 phải áp dụng theo luật mới, vì vậy dẫn đến sự chậm trễ so với kế hoạch trước đây. Một dự án nữa là Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt 650 tấn/ngày, thành phố đã có chủ trương, chủ đầu tư đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, 2 nhà máy này sẽ được triển khai xây dựng và vận hành chậm nhất trong năm 2024, trước khi bãi rác Khánh Sơn quá tải.

HĐND thành phố Đà Nẵng: Nóng vấn đề xử lý rác thải, dự án đội vốn ảnh 3Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Công Chánh (quận Liên Chiểu) về xử lý các bất cập trong công tác đăng ký đất đai, nhất là vụ việc làm mất 25 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà (cuối tháng 8/2020), ông Tô Văn Hùng cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc chỉ đạo khắc phục.

Cụ thể, ngay sau khi phát hiện bị mất 25 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở đã báo cho Công an thành phố Đà Nẵng tiến hành điều tra, thu hồi các Giấy chứng nhận. Đến tháng 9/2020, Công an thành phố đã trao trả 19 Giấy chứng nhận và Sở đã lập các thủ tục liên quan để cấp lại các Giấy chứng nhận còn thiếu cho công dân nên không gây thiệt hại.

Vụ việc này được cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là do bà Dương Thị Ngọc Anh, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà, lợi dụng quyền hại, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt các Giấy chứng nhận. Ngoài nguyên nhân cố ý của cán bộ này, còn nhận thấy công tác quản lý, điều hành tại đơn vị có sự chủ quan, thiếu đôn đốc, tạo ra kẽ hở cho sai phạm.

Qua sự việc này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai toàn thành phố. Sở cũng đã đã tổ chức lại bộ máy các chi nhánh, sắp xếp, kiện toàn bộ máy và sát hạch toàn bộ công chức, viên chức, người lao động tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai; phát hiện rằng năng lực, trình độ chuyên môn của nhiều cán bộ còn hạn chế, chưa có trình độ chuyên môn phù hợp.

Do đó, Sở đã yêu cầu các cán bộ phải đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa kiến thức. Sở đã yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người có liên quan và chấn chỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhận định: Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố là đơn vị có khối lượng công việc nhiều, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của nhiều người dân nên Hội đồng Nhân dân rất chia sẻ với khối lượng công việc và áp lực của Sở.

Tuy nhiên trước những bức xúc của cử tri, Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị Sở nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong hoàn thành nhiệm vụ của mình để đáp ứng các nhu cầu công việc, đặc biệt, phải nỗ lực thực hiện các nhà máy xử lý chất thải rắn theo đúng cam kết trong năm 2024.

Trước đó, sáng 16/12, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tham gia phiên Thảo luận tổ, đa số các đại biểu đã thống nhất kịch bản phát triển kinh tế-xã hội thành phố năm 2022 theo kịch bản trung bình và chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 6-7%; thu ngân sách nhà nước phấn đấu vượt 3-5% số thu năm 2021.

Các đại biểu đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý đối với các đơn vị giải ngân không đảm bảo kế hoạch, không đúng cam kết đã đề ra, xử lý dứt điểm các bất cập trong công tác giải tỏa đền bù; đồng thời, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Trung ương, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách; nghiên cứu, đề xuất thực hiện song song các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng...

Theo chương trình, ngày 17/12, Kỳ họp thứ 4 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ X sẽ tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn, thực hiện công tác nhân sự và thông qua các nghị quyết để bế mạc Kỳ họp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.