Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, chiều 12/7, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã bế mạc và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kinh tế-xã hội
Kỳ họp lần này thông qua 21 Nghị quyết. Trong đó, đáng chú ý là các Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2018; Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016-2025; thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố; thành lập đoàn giám sát về việc bảo tồn các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố và đoàn giám sát tiến độ triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát 2019 của Hội đồng Nhân dân Thành phố…
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách khả quan, chi ngân sách trách nhiệm, hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, công tác đối ngoại hợp tác quốc tế… có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo.
Về tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tuy có diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Công tác quản lý, phát huy nguồn lực tài nguyên đất, trọng tâm là đất do nhà nước trực tiếp quản lý ngày càng chặt chẽ hiệu quả hơn, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của thành phố, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân.
Các chương trình thúc đẩy khoa học-công nghệ, giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách người có công đạt hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, vẫn còn những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ về kinh tế-xã hội thành phố 2018, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng hoàn thành không cao nếu không có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, sư dụng phát huy nguồn lực tài nguyên đất, trọng tâm là đất do nhà nước trực tiếp quản lý còn nhiều mặt buông lỏng, sử dụng kém hiệu quả, còn lãng phí nhiều dự án chậm triển khai gây bức xức trong nhân dân.
Lĩnh vực khoa học-công nghệ chưa phát huy đúng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của thành phố, nhất là tham gia giải quyết các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… chưa hiệu quả.
Việc thực hiện 7 chương trình đột phá còn chậm. Một số chương trình có khả năng không đạt kế hoạch nếu không có giải pháp phù hợp, mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc triển khai các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội còn chậm.
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt tạo sự chuyển biến hiệu quả hơn trong trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ.
Trong đó, triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, các Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng Nhân dân về quy hoạch, quản lý; xử lý hiệu quả các dự án chậm triển khai, nhất là về vấn đề ô nhiễm môi trường, chống ngập nước, rác thải, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm...; tập trung giải quyết các vụ việc nhân dân bức xúc, các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố khẩn trương chuẩn bị và xây dựng các nội dung còn lại thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, quyết định trong kỳ họp tới đảm bảo chất lượng và đúng quy định pháp luật.
[Băn khoăn chuyện nhà khoa học ở TPHCM hợp tác với địa phương khác]
Giảm nghèo bền vững
Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về các vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo, đào tạo nghề - giới thiệu việc làm và chính sách người có công.
Nhiều đại biểu quan tâm và đặt vấn đề chương trình giảm nghèo thành phố đã thực sự bền vững hay chưa? Bên cạnh đó, thành phố đang có tình trạng các hộ nghèo không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ? Vậy giải pháp nào để các hộ nghèo này tự nguyện vươn lên thoát nghèo, tránh lãng phí ngân sách nhà nước chăm lo không đúng đối tượng?
Trao đổi về công tác giảm nghèo thành phố, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trong 26 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, thành phố đã có 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo. Thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và đạt được kết quả tích cực.
Hiện chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 2 lần mức chuẩn quốc gia.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, chuẩn hộ nghèo thành phố có thu nhập bình quân đầu người dưới 21 triệu/người/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu/hộ/năm), hộ cận nghèo thu nhập bình quân đầu người dưới 28 triệu/người/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu/người/năm).
Đầu năm 2018, thành phố còn 58.000 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo là 21.800. Cuối năm 2018, thành phố đảm bảo hoàn thành trước thời hạn mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020.
Thành phố sẽ tiếp tục nâng chuẩn nghèo lên mức thu nhập bình quân đầu người dưới 28 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/người/năm.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, quan điểm của thành phố là tập trung giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích và phải làm lâu dài, kiên trì để nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để phân loại và có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, muốn thoát nghèo bền vững thì người nghèo phải được học nghề và tạo việc làm ổn định, đây sẽ là giải pháp trọng tâm thành phố tiếp tục triển khai.
Đối với những đối tượng ỷ lại, không muốn thoát nghèo vì muốn hưởng chính sách, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng, các đoàn thể, đơn vị cơ sở cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để họ có ý thức vươn lên thoát nghèo như vậy đạt hiệu quả bền vững.
Trả lời vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt ra về tình trạng nhiều người lao động bị lừa đảo trong giới thiệu việc làm, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho biết, thành phố hiện có 83 cơ sở dịch vụ giới thiệu việc làm, trong đó có 50 cơ sở và 33 chi nhánh.
Theo quy định, chỉ có 50 cơ sở có chức năng giới thiệu việc làm trong và ngoài nước, còn 33 chi nhánh chỉ thực hiện hoạt động tư vấn nhưng lại lợi dụng chức năng này để thu tiền, giới thiệu người lao động đi nước ngoài.
Đây là bức xúc chung đã xảy ra thời gian qua. Sở đã tiến hành kiểm tra, gỡ biển và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định.
Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thanh tra và kiên quyết rút giấy phép hoạt động các đơn vị vi phạm. Đồng thời, Sở đăng thông tin trên cổng thông tin ngành khuyến cáo người lao động lựa chọn những cơ sở đi uy tín, chất lượng để tìm việc làm./.