Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc có chiến lược đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam trong những năm tới, trong đó có ngành thời trang, thế mạnh của Việt Nam.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo Tổ chức Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam với hơn 96 triệu dân chính là thị trường đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Tính tới tháng 11/2018, Hàn Quốc trở thành nước có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc có chiến lược đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam trong những năm tới, trong đó có ngành thời trang (may mặc, giày da …), thế mạnh của Việt Nam, hứa hẹn mang tới nhiều cơ hội lớn cho startup Việt.

[Cơ hội cho các start-up Việt Nam trước làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc]

Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 của ESP Capital và Cento Ventures cho thấy chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động đã vươn lên top ba cộng đồng khởi nghiệp mạnh nhất 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia khảo sát, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Cũng theo báo cáo này, vốn đầu tư từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn 246 triệu USD đổ vào các startup Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngay trong tháng 11 này, một chuỗi các hội thảo, sự kiện kết nối doanh nghiệp đã được tổ chức tại các thành phố như Seoul hay thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc, trong khuôn khổ “Techfest 2019,” giúp các startup Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan chức năng phụ trách các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách… hiểu sâu hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc, có cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong quá trình hòa nhập với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Đặc biệt, chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Techfest 2019” tại Hàn Quốc cũng đem lại cho các startup nhiều cơ hội giá trị như gặp gỡ các nhà đầu tư, thảo luận với các đối tác mục tiêu, mở rộng quan hệ và nâng cao kiến thức về khởi nghiệp.

Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của các quỹ Hàn Quốc khi số tiền đầu tư ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch trong nửa đầu năm nay, trong khi vào giai đoạn 2017-2018, phần lớn các giao dịch là từ nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản.

Tháng 7 vừa qua, quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans của Hàn Quốc đã rót vốn vào Base, startup cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp trên nền tảng SaaS (Software as a Service).

Kể từ khi để mắt đến thị trường Việt Nam vào năm 2015, quỹ đầu tư nổi tiếng tại Hàn Quốc này đã rót vốn vào tổng cộng 10 startup Việt Nam. Một số dự án nổi bật như với Luxstay, JamJa, EcoTruck, Leflair... với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu USD.

Ông Eddy Hong, Giám đốc điều hành NexTrans khẳng định Việt Nam là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á, chứa đựng sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đại diện NexTrans cho rằng cộng đồng startup Việt Nam hiện tại có nét tương đồng với Hàn Quốc cách đây 10 năm, với rất nhiều những động lực phát triển và tiềm năng rộng lớn, có ý tưởng dồi dào, chất lượng, sự khao khát thành công của các nhà sáng lập, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn.

Một quỹ đầu tư Hàn Quốc khác cũng đang hoạt động mạnh tại Việt Nam là STIC Ventures thuộc STIC Investment.

Cả hai quỹ đều tích cực tìm kiếm các đối tác tiềm năng tại Việt Nam để bổ sung vào danh mục đầu tư. Trong khi STIC Investment có phạm vi tìm kiếm khá rộng gồm các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, thì STIC Ventures tập trung nguồn vốn cho startup, những doanh nghiệp hoạt động dựa trên công nghệ và ở giai đoạn đầu phát triển.

Những tên tuổi quen thuộc trong giới khởi nghiệp như Tiki, Cammsys Việt Nam, Dược Nanogen... đều thuộc danh mục đầu tư của STIC.

Để có được thành công trên, có thể nói chính phủ, nhiều cơ quan và địa phương Hàn Quốc trong thời gian qua đã tích cực giúp đỡ các startup Việt Nam từ quảng bá, kết nối doanh nghiệp cho tới không gian làm việc, tư vấn pháp lý, bảo vệ thương hiệu….

Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp Hàn Quốc (NIPA), Cơ quan Thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ cộng đồng startup Việt Nam. Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và KICC đã phát động cuộc thi "K-Startup Grand Challenge" dành cho cộng đồng startup Việt Nam.

Đây là chương trình thường niên do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức từ năm 2016 với mục đích xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các startup mở rộng thị trường tại châu Á qua việc sử dụng thị trường Hàn Quốc làm bước đệm. Ban tổ chức lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chính tổ chức cuộc thi vòng loại khu vực năm nay cùng với Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) Đài Loan (Trung Quốc).

Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Seoul, Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo Seoul, Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo Busan… cùng các đối tác Hàn Quốc khác rất coi trọng thị trường Việt Nam cũng như các đề xuất của Việt Nam.

Đại diện nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc cho biết trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt vào các dịch vụ hoạt động trên nền tảng di động, công nghệ tài chính, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.