Hệ thống siêu thị, chợ đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần yên tâm về nguồn cung hàng hóa thiết yếu, tránh hoang mang, đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.
Hệ thống siêu thị, chợ đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ảnh 1Hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị luôn đảm bảo đủ để phục vụ người dân. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trong sáng 1/4 tại hầu hết các hệ thống phân phối lớn, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống vẫn đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân.

Cùng với đó, việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường và người dân vẫn có thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm...

Tại Hà Nội, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi phân phối, chợ trên địa bàn rất nhiều và đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

[Cung ứng đủ hàng hóa ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến xấu nhất]

Cụ thể, tại các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thương đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, tất cả các cửa hàng xăng dầu đều đảm bảo nguồn dự trữ và không còn hiện tượng mua dự trữ xăng dầu tại một số cây xăng.

Một số địa phương, một số kênh phân phối còn mở thêm các điểm bán hàng lưu động như BRG mở thêm 10 điểm bán Hapro Food tại các vị trí trung tâm Hà Nội để phục vụ và cung ứng đủ hàng hóa.

Hệ thống siêu thị, chợ đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ảnh 2Hàng hóa được bày bán tại Siêu thị Hapro Thành Công. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hơn nữa, ngay sau khi Vụ Thị trường trong nước trao đổi trực tiếp với Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã ra văn bản tháo gỡ vấn đề vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm.

Theo công văn của Bộ Giao thông Vận tải, xe vận tải cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được tham gia giao thông bình thường.

Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần yên tâm về nguồn cung hàng hóa thiết yếu, tránh hoang mang, đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.

Đồng thời, người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.