Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày đầu người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố-ấp cách ly khu phố-ấp, phường-xã-thị trấn cách ly phường-xã thị trấn” cho thấy nhiều điểm bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đó."
Cụ thể, chuỗi cửa hàng tiện lợi Familymart tại một số địa bàn dân cư ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tạm ngưng kinh doanh. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh nhóm ngành hàng thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, nước giải khát, bánh và đa dạng hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Còn chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp Guardian cũng đồng loạt thực hiện tạm ngưng kinh doanh tại một số cửa hàng thuộc hệ thống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuỗi cửa hàng này chuyên cung cấp sản phẩm chăm sóc cá nhân, dành cho bé và có cả thực phẩm.
Tương tự, hàng loạt điểm bán lẻ khác chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, có chuỗi cửa hàng phát triển sâu rộng vào nhiều địa bàn dân cư tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động bình thường trước 0 giờ, ngày 23/8/2021, hiện nay cũng tạm ngừng kinh doanh. Thậm chí, trước khi người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” những điểm bán lẻ này còn tăng cường kinh doanh thêm nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu...
Lý giải nguyên nhân đóng cửa, tạm dừng kinh doanh, một số đơn vị kinh doanh chia sẻ, người dân "ai ở đâu ở yên đó" cửa hàng hoạt động cũng không có khách hàng đến mua. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh thiếu hụt nguồn nhân lực vì vướng nhiều quy định trong biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vừa mới áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/8.
Đối với kênh bán hàng online, nhiều nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng lúng túng, khi không thể nhận đơn hàng vì thiếu hụt đội ngũ vận chuyển, giao nhận đến người tiêu dùng. Với quy định "ai ở đâu ở yên đó," doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương, cũng như hoàn thành thủ tục cấp phép "giấy đi đường."
[TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội: Người dân chấp hành nghiêm túc]
Điển hình, hôm nay Gojek Việt Nam vừa ra thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ đặt hàng thực phẩm GoFood và giao hàng GoSend tại các khu vực tại thành phố Thủ Đức và quận, huyện (quận 8, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn). Đối với những khu vực khác, dịch vụ đặt thực phẩm GoFood và giao hàng hóa thiết yếu GoSend được giới hạn hoạt động theo phạm vi trong quận trong khung giờ từ 6-17 giờ hàng ngày.
Đại diện Gojek cho biết việc duy trì cung cấp dịch vụ tại các địa bàn được phép hoạt động sẽ được Gojek cập nhật theo tình hình thực tế và quy định của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Gojek đang làm việc chặt chẽ với sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo điều kiện cho đối tác tài xế có thể lưu thông trên đường, duy trì hoạt động hiệu quả, tuân thủ đúng và đầy đủ quy định của cơ quan chức năng, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... vẫn duy trì hoạt động và kịp thời điều chỉnh khung giờ phù hợp với quy định mới của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Những thương hiệu này, cũng vừa công bố phương án hoạt động cụ thể đến người dân trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), gồm: 3 siêu thị Satramart, hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày, với giải pháp triển khai kinh doanh “3 tại chỗ.”
Satra thực hiện đảm bảo việc vệ sinh siêu thị, cửa hàng, nhận và sơ chế thực phẩm tươi sống… Đồng thời, hệ thống bán lẻ này còn đang khẩn trương tập hợp thông tin nhân viên, phối hợp Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh để có thể cung cấp giấy đi đường cho các nhân viên được giao nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian sớm nhất.
Theo đại diện Satra, hệ thống bán lẻ này cũng chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng "combo" hay đơn hàng theo yêu cầu, nhằm giúp cho người dân yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, Satra kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức “đi chợ hộ” của Tổ COVID-19 cộng đồng.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn số 2798/KH-UBND, ngày 22/8/2021, về kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn thành phố thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sở Công Thương thành phố phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Các đơn vị liên quan thống kê cụ thể, cập nhật hệ thống các điểm bán của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn... để đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa cho người dân. Song song đó, kịp thời hỗ trợ địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn giải pháp phân phối hàng hóa cho người dân phù hợp với tình hình thực tế.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh liên kết chặt chẽ với đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức, kịp thời điều phối việc tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân. Trong đó, báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi có khó khăn, vướng mắc trong kết nối nguồn cung, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai kế hoạch đồng bộ và chủ động cao nhất. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân. Trong đó, những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục hoạt động, thực hiện thu mua, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh, thành về Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức phân phối cho người dân.
Hiện mạng lưới phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống cung ứng này, cần tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thống kê nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, mặt hàng gạo 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mỳ, bún, phở...) 660 tấn; thịt gia súc 755 tấn; thịt gia cầm 660 tấn; thực phẩm chế biến 236 tấn; rau củ, quả 4.246 tấn... Còn nhu cầu tiêu dùng bình quân một tuần là 76.747 tấn và bình quân 15 ngày là 164.460 tấn.
Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu một số mặt hàng khác như nước uống đạt khoảng 19 triệu lít/ngày; các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày..../.
Tình hình dịch bệnh đến sáng 23/8: Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca nhiễm: 175.994 Toàn quốc: Số ca nhiễm: 348.059 Số tiêm chủng: 17.065.896 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều. Thế giới: Số ca nhiễm: 212.583.527 |