“Paris với bạn là gì? Một thành phố hoa lệ bên sông Seine, tháp Eiffel, âm nhạc, shopping, những quán cà phê và quán ăn nhanh bistrot, cuộc sống văn hóa của giới thượng lưu, thời trang, những khu của người da đen ở ngoại ô, hay những vết thương từ các vụ tấn công khủng bố? Paris của tôi là tất cả những thứ đó và ban đầu, nó không có màu. Chỉ trắng và đen.”
“Kinh đô ánh sáng” trong tâm thức tác giả Trương Anh Ngọc là như vậy và anh đã đưa Paris đến rất gần bạn đọc trong cuốn du ký thứ tư của mình - “Hẹn hò với Paris.”
Cuộc hẹn với… chính mình!
Trương Anh Ngọc bảo, mặc dù cuốn sách có nhan đề là “Hẹn hò với Paris” nhưng thực chất, đó là một cuộc hẹn của anh với bản thân và những ký ức của chính mình. Từ chuyến đi đầu tiên đến Pháp tới khi “Hẹn hò với Paris” chính thức ra mắt là một hành trình kéo dài chừng 10 năm.
Những ấn tượng, sự rung động của tác giả với Paris bắt đầu từ năm lên chín. Từ hình ảnh trong tấm bưu thiếp cũ kỹ, thông tin thu thập được từ cuốn sách mỏng về cuộc Cách mạng Pháp hay những thanh âm từ chiếc đĩa than, câu chuyện trong những bộ tiểu thuyết của các đại văn hào…, cậu bé Trương Anh Ngọc ao ước được đặt chân đến nước Pháp, rảo bước trên những đại lộ ở Paris, gặp gỡ những tiểu thuyết gia lừng danh trong những hầm mộ của điện vĩ nhân Pantheon.
Bởi vậy, trên thực tế, Paris nói riêng và nước Pháp nói chung không xa lạ với Trương Anh Ngọc. Thế nhưng, anh đã thực sự bị choáng ngợp khi cảm nhận được nó bằng mọi giác quan trong lần đầu tiên đặt chân đến nơi ấy cách đây khoảng 10 năm.
[Manolo, Tây Ban Nha phải tin vào những giọt nước mắt]
“Ngay từ chuyến đi ấy, tôi đã muốn viết một điều gì đó, hoặc rộng hơn, một cuốn sách về Paris, về nước Pháp và những trải nghiệm trong những hành trình ở rất nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Nhưng rồi, bất chợt tôi cảm thấy mình bị lạc giữa rất nhiều cảm xúc ùa đến trong lần đầu tiên ấy và rồi lại hẫng hụt vì quá thiếu những cảm nhận sâu lắng hơn. Cuốn sách đã không được viết ra sau chuyến đi năm ấy,” nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ.
“Hẹn hò với Paris” chỉ được viết ra sau nhiều lần tác giả trở lại nơi ấy, hòa vào nhịp sống, lắng mình trong những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của nơi này. “Nếu những gì bạn viết ra chỉ đơn thuần là thông tin hay ghi lại cảm xúc bất chợt thì sẽ vụt trôi rất nhanh. Để những trang sách lắng lại, lưu dấu trong lòng bạn đọc thì phía sau những thông tin, cảm xúc phải có những trải nghiệm, thông điệp nhân văn hay hướng đến việc cắt nghĩa những mã văn hóa, nhìn sâu vào hiện tượng để lý giải bí ẩn của lịch sử, đời sống,” tác giả chia sẻ.
Bởi thế, “Hẹn hò với Paris” là một cuốn du ký đầy cảm xúc, dữ liệu và năng lượng. Nó lãng mạn nhưng không kém phần sâu lắng, thấm đẫm chất sống lạc quan, yêu đời. Qua nhiều hành trình với những trải nghiệm lý thú, Trương Anh Ngọc kể lại câu chuyện về “một thiên đường sách ở Paris,” giúp bạn đọc cảm nhận dư vị ở một quán ăn nhỏ với giọng hát quen thuộc vang ngân từ chiếc máy quay đĩa, để rồi lắng lại cùng những ký ức vui buồn của nhiều địa danh khác ở “đất nước hình lục lăng”…
Hãy đi khi ta còn trẻ
Ở cuốn sách thứ tư của mình, tác giả Trương Anh Ngọc không chỉ viết về nước Pháp. “Hẹn hò với Paris” còn có những trang viết về Rio de Janeiro và Brazil như một thể đối lập với sự hào nhoáng, tráng lệ của “kinh đô ánh sáng.” Đó là vùng đất vừa chất chứa biết bao tâm sự, lo lắng cùng những đớn đau của phận người vừa mang trong mình những bản hoan ca về cuộc sống, tình yêu, sex và cả cái chết.
Brazil rộng lớn hiện lên trong trang sách của Trương Anh Ngọc với vẻ hoang dã và đầy bản năng. “Thực ra, Rio de Janeiro, Sao Paulo và chính Brazil cũng từng xuất hiện trong những giấc mơ của tôi ngày xưa qua những trang sách của văn hào Jorge Amado. Trong những giấc mơ ấy, có cả trái bóng lăn, hình ảnh những siêu sao sân cỏ của đất nước Vàng-Xanh, những thất bại đau đớn trong lịch sử của họ và rồi, có một động lực khác đã thúc đẩy tôi viết về vùng đất này khi đặt chân tới đó. Đấy là câu hỏi, thực ra, ngoài sự ‘điên cuồng’ vì bóng đá, Brazil còn có những gì,” tác giả chia sẻ.
Mỗi địa danh anh viết đều có cả những câu chuyện của quá khứ, tầng sâu văn hóa suốt chiều dài lịch sử và gương mặt của hiện tại với những thông tin, dữ liệu được cập nhật; vừa có trải nghiệm cá nhân vừa chứa đưng những câu chuyện của đại chúng. Điều này góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt cho những cuốn du ký-hành trình của Trương Anh Ngọc so với những ấn phẩm cùng thể loại hiện nay.
Trương Anh Ngọc bảo, với việc xuất bản “Hẹn hò với Paris” cũng như ba cuốn sách trước đó (“Nước Ý - câu chuyện tình của tôi,” “Phút 90++” và “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”), bên cạnh việc chia sẻ những trải nghiệm của bản thân, anh hy vọng độc giả (đặc biệt là những độc giả trẻ) sau khi đọc và cảm sẽ “xách balô lên và đi.” Anh muốn thôi thúc bạn đọc “đi khi ta còn trẻ” để có những trải nghiệm riêng.
Thông điệp ấy của nhà báo Trương Anh Ngọc nhận được sự tán đồng của nhiều người Việt trẻ, như nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ sau khi đọc xong cuốn du ký “Hẹn hò với Paris”: “Bạn có thể trưởng thành mà không cần phải đi đâu cả với những tiện ích mà cuộc cách mạng 4.0 mang đến; nhưng chắc chắn nếu bạn bước đi thì sự trưởng thành ấy sẽ trọn vẹn hơn cho cả trái tim và khối óc.”
Trương Anh Ngọc đưa những cuốn sách của mình đến với bạn đọc theo tinh thần của hashtag #quanrachbansach (quần rách bán sách). Nói như nhà văn Hoàng Anh Tú, đó là một tinh thần phượt đúng nghĩa với đôi mắt mở to như của một đứa trẻ hiếu kỳ (và hiếu động), tràn đầy cảm hứng, khát khao./.
Nhà báo Trương Anh Ngọc hiện công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Anh là gương mặt quen thuộc trên nhiều kênh truyền hình Việt Nam, đặc biệt là trong các chương trình bình luận về bóng đá.
Bên cạnh đó, thời gian qua, anh được nhắc đến nhiều với vai trò khác - người lữ hành. Nhà báo-bình luận viên Trương Anh Ngọc là tác giả của ba cuốn sách du ký bán chạy khác: “Nước Ý - câu chuyện tình của tôi” (2012) “Phút 90++” (2013) và “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” (2017).