Hiến kế để thổi bùng lên ngọn lửa tăng trưởng sau dịch COVID-19

Thủ tướng khẳng định ý kiến của các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước giúp Chính phủ có nghị quyết tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN )
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN )

Với tinh thần “Nền kinh tế như lò xo nén lại và giờ sẵn sàng bung ra sau lệnh giãn cách xã hội,” Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp tổng thể để phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2020 đạt trên 5%, cách xa những dự báo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ý kiến của các vị đại biểu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và ngoài nước giúp Chính phủ có nghị quyết tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trước những diễn biến của dịch COVID-19, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép đó là vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu lại nguồn lợi tăng trưởng khi dịch bệnh kiểm soát tốt.

Xác định khu vực doanh nghiệp là lực lượng chính giữ ổn định và thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung các gói hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và có cơ hội bứt phá. Nhờ đó, quý 1 vừa qua nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 3,83%. Mặc dù là mức thấp nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây, song vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước Đông Nam Á.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định Việt Nam vẫn duy trì khá tốt mức tăng trưởng cho dù thấp so cùng kỳ năm trước nhưng ở mức cao hơn so với các khu vực ASEAN và toàn châu Á.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu bật những giải pháp đã và đang thực hiện, đồng thời đề xuất một loạt giải pháp tiếp theo để duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, các ngành nghề lĩnh vực.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải đánh giá các biện pháp phục hồi kinh tế cũng như điều hành của Chính phủ lúc này cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường của thế giới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết với các giải pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đến nay sau 24 ngày Hà Nội không phát sinh ca nhiễm COVID-19 mới. Về hỗ trợ phát triển kinh tế, trực tiếp Bí thư Thành ủy thành phố chỉ đạo xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế.

Vào cuối tháng Năm này và tháng Sáu tới, Hà Nội sẽ phối hợp với doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố tổ chức tháng khuyến mại kích thích tiêu thụ nội địa. Từ tháng hai vừa qua, Bí thư Thành ủy thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm 2020.

[Thủ tướng: Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%]

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần hỗ trợ người dân doanh nghiệp. Đặc biệt thành phố đang chuẩn bị để tuần cuối cùng của tháng Sáu tới mở hội nghị xúc tiến đầu tư, qua đó, dự kiến sẽ trao chủ trương đầu tư cho gần 100 dự án với tổng mức vốn 330.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ nền kinh tế, trực tiếp là các doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp.

Tính đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho trên 215.000 khách hàng, dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, đã miễn, giảm, hạ lãi vay cho khoảng 26.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp với số cho vay lũy kế từ 23/1 vừa qua (thời điểm Thủ tướng Chính phủ công bố dịch) đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ đã chỉ đạo, thực hiện gia hạn cho hơn 90.192 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế được gia hạn là 26.261 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với các bộ rà soát, ban hành theo thẩm quyển hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn giảm thuế, lệ phí như miễn lệ phí môn bài với nhiều đối tượng, miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, giảm sâu nhiều khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đôn đốc các bộ, ngành đề xuất miễn giảm phí, lệ phí để xây dựng các Thông tư miễn giảm phí, lệ phí và đến nay đã ban hành 8 thông tư, còn 11 thông tư sẽ ban hành trong đầu tuần tới.

Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc,” còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng cần quan tâm xử lý kiến nghị doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn không được gây khó dễ, làm chậm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đào tạo cho doanh nghiệp hiện nay có rất nhiều vướng mắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh có trách nhiệm xử lý nhanh để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hiến kế để thổi bùng lên ngọn lửa tăng trưởng sau dịch COVID-19 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần phải giữ 3 điểm hiện nay là lao động, thị trường và phát triển thị trường trong nước của 100 triệu dân cũng như thị trường nước ngoài mà Việt Nam đã đạt được từ các hiệp định thương mại tự do qua đàm phán, ký kết trong thời gian qua.

Thủ tướng lưu ý, các bộ ngành, địa phương cần nâng cao đạo đức công vụ, tạo thuận lợi trong phát triển; đồng thời chủ động tìm nguồn lực trong phát triển nhất là hạ tầng, tạo điều kiện phát triển các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển dịch vụ logistics tốt nhất để giảm chi phí doanh nghiệp…

Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội….”

Do vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị trong phát triển, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển để nâng cao năng suất.

Giải đáp những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm tiếp các lãi suất điều hành cùng với việc quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững.

Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm, có thể kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chia sẻ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng.

Các chương trình tín dụng được thực hiện từ chính nguồn lực tiết kiệm của người dân và các doanh nghiệp, do vậy, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

Hiến kế để thổi bùng lên ngọn lửa tăng trưởng sau dịch COVID-19 ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về phía Bộ Tài chính, để thực hiện tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 10 giải pháp chủ yếu.

Theo đó, tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành. Đó là các chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.

Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành 2 Nghị định Bộ đã trình là Nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng; miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ôtô; để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ văn bản giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí, từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định….

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng với độ mở nền kinh tế hơn 200% và năng lực sản xuất vượt xa nhu cầu nội địa nên yếu tố sống còn cho phát triển bền vững là đảm bảo khai thông thị trường ngoài nước.

Tuy nhiên, phải nhìn rõ thách thức thị trường này bởi cầu đang giảm, đặc biệt là suy thoái kinh tế cho thấy nguy cơ lớn của xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải đối mặt với việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia của nhà sản xuất và xuất khẩu ở nhiều khu vực

Nhưng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù ở mức độ nào, quan hệ thương mại và hợp tác trên nền tảng quan hệ sâu rộng của các Hiệp định CPTPP, EVFTA, quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia… sẽ là cơ hội quan trọng gia tăng xuất khẩu và tái cơ cấu nền kinh tế nâng cao hiệu quả gắn với bước đi phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.