Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn cho biết: Diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh" và tôn vinh doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động” sẽ diễn ra ngày 8/11 tại Hà Nội.
Sự kiện do Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (Ban Tổ chức 248) thực hiện. Tại diễn đàn này, các bên liên quan sẽ đề xuất giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Ông Hồ Anh Tuấn chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Việt Nam dù đã khống chế thành công đại dịch này nhưng hậu quả do dịch bệnh đã gây “tổn thương” nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp.
Việc tìm kiếm và đưa ra các giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội vượt khó, vươn lên, biến “nguy” thành “cơ”, tái khẳng định vị thế trong bối cảnh mới. Do đó, diễn đàn sắp tới sẽ góp phần chuyển tải thông điệp về giá trị quan trọng của văn hóa trong sự tồn tại, phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp…
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia và hàng trăm doanh nghiệp sẽ tập trung làm rõ các nội dung: Dịch COVID-19 và các biến đổi; thay đổi, cơ hội, thách thức đối với văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh, văn hóa ứng xử, tiêu dùng, đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
[Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mạnh mẽ]
Diễn đàn cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách, chiến lược và giải pháp phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước sau dịch COVID-19.
Trên thực tế, dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô. Cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đều thay đổi sau đại dịch.
Dịch COVID-19 đặt ra trạng thái, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, và hoạt động của chính phủ điện tử. Hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cách doanh nghiệp cạnh tranh cũng thay đổi cùng mô hình kinh doanh, cách thức marketing.
Dịch COVID-19 còn làm thay đổi triết lý kinh doanh, sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường… của doanh nghiệp.
Diễn đàn cũng sẽ tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thực hành văn hóa doanh nghiệp với các yêu cầu: Khoa học, trách nhiệm, thiết thực, an toàn phòng, chống dịch COVID-19; tập hợp, phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp./.