Hiệp định CPTPP và USMCA: Những hướng liên kết thương mại trái chiều

CPTPP và USMCA lần lượt được ký kết trong năm 2018 phản ánh những hướng liên kết thương mại trái ngược, làm nổi bật sự cạnh tranh khốc liệt giữa tự do hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.
Hiệp định CPTPP và USMCA: Những hướng liên kết thương mại trái chiều ảnh 1Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) và đại diện các nước tại lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile, ngày 8/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Năm 2018 có thể xem là năm khá thành công của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) lần lượt được ký kết, với hy vọng đem lại thành quả tích cực về kinh tế, thương mại cho các bên tham gia nói riêng, cũng như khu vực và toàn cầu nói chung.

Tuy nhiên, hai hiệp định nổi bật này cũng phản ánh những hướng liên kết thương mại trái ngược, làm nổi bật sự cạnh tranh khốc liệt giữa tự do hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.

Đều là các FTA thế hệ mới toàn diện, vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, CPTPP và USMCA có thể xem là “sự hồi sinh” của hai thỏa thuận trước đó đã bị Mỹ phản đối sau khi tỷ phú Donald Trump nhậm chức tổng thống với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên.”

Văn kiện "tiền thân" của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: ‘Cơ hội vàng’ cho bất động sản Việt]

Trong khi đó, USMCA được xem là bước thỏa hiệp để cứu vãn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất thế giới, chiếm 1.200 tỷ USD thương mại hằng năm của khu vực Bắc Mỹ, vốn điều chỉnh quan hệ thương mại giữa Mỹ-Mexico-Canada từ năm 1994.

Được các nước tham gia TPP trừ Mỹ ký kết hồi tháng Ba năm nay, CPTPP là một trong ba FTA lớn nhất hành tinh, sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12 tới sau khi đã có 7 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn, trong đó có Việt Nam.

Việc kết thúc đàm phán và ký kết CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi TPP đã thể hiện cam kết và quyết tâm cao của tất cả 11 nước nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Hiệp định này còn được xem là sự hưởng ứng nhiệt tình đối với hệ thống thương mại mở hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch.

Với gần nửa tỷ dân, CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả ba châu lục Á, Mỹ và châu Đại Dương, có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.

Sự ra đời của CPTPP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng mới, gia tăng thương mại nội khối, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP nhờ CPTPP.

Bởi vậy, CPTPP được đánh giá là đem lại lợi ích cân bằng cho toàn bộ các thành viên.Đây cũng là cơ hội lớn để các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu.

Ngoài thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nước thành viên.

Hiệp định tạo điều kiện đẩy mạnh giao thương và tạo cầu nối cho các liên kết kinh tế-thương mại, trở thành động lực mới cho sự hợp tác hiệu quả giữa các nền kinh tế khu vực.

CPTPP được ký kết cũng mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng, là lời đáp trả mạnh mẽ của toàn cầu hóa đối với những xu thế đơn phương.

Ngoài ra, nhân tố quan trọng nhất của CPTPP chính là tính chất liên kết chặt chẽ của thỏa thuận. Với 30 chương, thỏa thuận đã đáp ứng mọi nhu cầu của hoạt động thương mại hiện nay, cũng như thích ứng được với sự thay đổi của kinh tế trong tương lai mà không phải đàm phán lại một cách phức tạp.

Một khi thỏa thuận có hiệu lực, nó hoàn toàn có thể mở rộng với các thành viên mới. CPTPP đã tạo sự thu hút mạnh mẽ với các nền kinh tế khác như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan. Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thậm chí, tháng Hai vừa qua, Tổng thống Donald Trump đề cập tới khả năng đưa Mỹ tái gia nhập CPTPP. Như vậy, sức mạnh và tiềm năng của CPTPP sẽ còn vươn xa hơn nữa.

Hiệp định CPTPP và USMCA: Những hướng liên kết thương mại trái chiều ảnh 2Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) sau lễ ký Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) ở Buenos Aires, Argentina, ngày 30/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, USMCA được coi là một thỏa thuận khép kín, với điều khoản ngăn các bên tham gia đàm phán hiệp định với các quốc gia không phải nền kinh tế thị trường.

Trên thực tế, sự ra đời của USMCA là kết quả của lộ trình đàm phán nhọc nhằn giữa 3 quốc gia láng giềng Bắc Mỹ nhằm sửa đổi NAFTA cho phù hợp với yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người coi hiệp định gần 25 năm tuổi này là “thảm họa.”

Sau một năm đàm phán căng thẳng, việc ký kết USMCA ngày 30/11 vừa qua đã tránh cho nền kinh tế 3 quốc gia Bắc Mỹ một kịch bản thiệt hại được cảnh báo là thảm họa khi NAFTA sụp đổ, với sự suy giảm của dòng chảy kinh tế, xuất khẩu và việc làm.

Sự ra đời của USMCA không chỉ vực dậy lòng tin của thị trường khu vực và toàn cầu, mà còn mang lại hy vọng về một tương lai rõ ràng hơn cho nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ.

Với sự nhượng bộ của cả ba nước, USMCA được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới về việc làm và thu nhập cho hơn 570 triệu cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ thông qua một thị trường tự do hơn, hoạt động thương mại công bằng hơn và sức tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.

Đàm phán thành công cũng nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế Bắc Mỹ trước các đối thủ châu Á và châu Âu, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô.

Tuy nhiên, dù được xem là vì lợi ích của cả ba bên, song thực chất phần lớn sự thay đổi hầu như đều có lợi cho Mỹ, trong khi Canada phải chịu thua thiệt nhiều. Không phải ngẫu nhiên là USMCA được gọi là thỏa thuận của “kẻ thắng người thua.”

Việc Mỹ dùng chiến thuật đàm phán song phương với Mexico về sửa đổi NAFTA đã tạo sức ép và đẩy Canada vào thế bí, buộc Ottawa phải nhượng bộ rất nhiều.

Theo tính toán, nông dân ngành sữa Canada có thể thiệt hại 240 triệu USD/năm do USMCA.

Bên cạnh đó, USMCA vẫn có thể gây ra nhiều rào cản thương mại mới trong dài hạn. Yêu cầu mức lương tối thiểu tại các nhà máy xe hơi khiến Mexico, quốc gia có thu nhập trung bình 3USD/giờ, sẽ phải nhập nhiều linh kiện ô tô của Mỹ và Canada để phục vụ ngành sản xuất trong nước. Điều này sẽ góp phần làm tăng giá xe và làm giảm sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu của ngành công nghiệp ôtô Bắc Mỹ.

Ngoài ra các hãng sản xuất ôtô phải chứng minh rằng nhôm và thép của ôtô được sản xuất tại khu vực, thì mới đủ điều kiện để miễn thuế quan.

Nhưng hiện nay, mức thuế quan 10% đánh vào nhôm và 25% đánh vào thép mà Tổng thống Trump đã áp đặt vẫn chưa được dỡ bỏ.

Đó là lý do USMCA được xem là một thành công lớn của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” khi giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại với hai đối tác lớn, đồng thời có thể chặn hàng hóa từ Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Washington, thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng với UMSCA, Mỹ, Mexico và Canada kết nối với nhau bằng một thỏa thuận thương mại tốt nhất thế giới, song giới bình luận lại ví von rằng UMSCA là “con thuyền thương mại” của 3 quốc gia Bắc Mỹ mà Mỹ, cụ thể là Tổng thống Donald Trump, là người cầm lái.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro khó lường liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hay Brexit, các thỏa thuận thương mại trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục phản ánh “cuộc đấu” giữa xu thế đa phương và bảo hộ.

CPTPP có thể sẽ đón chào thêm các thành viên mới, tạo động lực tích cực cho hợp tác thương mại đa phương.

Trong khi đó, sau thành công với UMSCA, Mỹ sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới để đàm phán thương mại song phương với Anh, EU và Nhật Bản, thậm chí là cả Brazil và Ấn Độ, trên cơ sở chủ trương “Nước Mỹ trước tiên.” Xu thế bảo hộ sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với liên kết thương mại toàn cầu. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.