Nhằm góp phần đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do thương mại thế hệ mới trong lĩnh vực lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu” vào ngày 14/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung rà soát lại các cam kết về lao động và xã hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, góc nhìn từ thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp…
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho biết, khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), dự kiến lao động Việt Nam trong ngành khai khoáng sẽ tăng thêm khoảng 3,41%/năm, lao động trong ngành dệt tăng 1,53%/năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hàng năm cao hơn như: Vận tải đường thủy (3,7%) sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc, thiết bị (2,49%). Tuy nhiên, ngành sản xuất thời trang chỉ tăng nhẹ, khoảng 0,38%/năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong giai đoạn từ năm 2020-2035, không chỉ có việc làm tăng mà tiền lương dự kiến tăng lên, trong đó tăng cao nhất là đối với lao động có tay nghề thấp. Việc chuyển dịch lao động trong các ngành nghề sẽ tiếp tục thúc đẩy di cư lao động nội địa.
Mặc dù có thể sẽ tác động tích cực đến việc làm và thu nhập nhưng việc gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu sẽ tạo áp lực đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo, gia tăng bất bình đẳng, phân hóa thu nhập. Quá trình hội nhập có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường nếu không có một chiến lược nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ và chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hợp lý...
Để góp phần thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực lao động, đặc biệt khi những hiệp này có quy định chặt chẽ về việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động 2012.
Theo kế hoạch, tháng 1/2017, Bộ sẽ chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét quyết định trình dự án. Dự kiến, dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017)./.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hai Hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 1/12/2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016, văn bản Hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định, lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016. Dự kiến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực từ năm 2018.