Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8 được các doanh nghiệp ở “thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương kỳ vọng về một động lực mới duy trì tăng trưởng dương vào những tháng cuối năm; trong đó sẽ đón đợt kích cầu tốt từ thị trường thương mại này để ngành gỗ tỷ đô tiếp tục lớn mạnh.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng cao nhất (14,5%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu 11,9 tỷ USD ở Bình Dương.
Nhiều tín hiệu tốt
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc (chuyên về sản xuất đồ gỗ nội thất gia dụng tại Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), đơn vị đón đầu Hiệp định EVFTA ngay từ đầu năm 2020, cho biết đơn vị hiện đang sử dụng nguồn nhân lực lên đến 600 người lao động chuyên làm các nội thất cao cấp cung cấp sản phẩm cho các công ty xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho khối doanh nghiệp đồ gỗ nói chung có điều kiện để xuất hàng đi châu Âu.
Đây là thị trường lớn đầy tiềm năng, có sự ổn định về kinh tế, mang giá trị cao các dòng hàng xâm nhập vào thị trường khó tính này.
Chủ động hội nhập, hiện đơn vị của ông Hải đang chú tâm tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của châu Âu.
Đầu năm 2020, công ty của ông Phan Thế Hải đã xây dựng một nhà máy áp dụng tiêu chuẩn chiếm đến 60% công suất các dòng hàng xuất đi châu Âu như bàn ghế, tủ, giường và mặt hàng gia dụng đều đạt tiêu chuẩn cao cấp.
Tuy nhiên, do tình hình dịch còn diễn biến khó lường nên mục tiêu đơn vị duy trì ổn định sản xuất hiện tại và phương hướng tới năm 2021 sẽ nâng lên 80% công suất phục vụ thị trường châu Âu.
[Kiến nghị đưa doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản được gia hạn nộp thuế]
Ông Phan Thế Hải cho rằng muốn làm ăn lâu dài với đối tác châu Âu phải thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của thị trường khó tính này. Áp lực thay đổi mẫu mã tại thị trường châu Âu là rất lớn.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn tại cộng đồng chung này, ngoài yếu tố giá cả, mẫu mã, doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất.
Hiện nay, châu Âu đang đặt vấn đề quy chuẩn cao cho sản phẩm họ sử dụng. Khách hàng phải biết nguồn gốc sản phẩm xuất phát từ đâu, nguyên liệu do ai làm ra, tiêu chuẩn lao động ra sao… mới chinh phục được thị trường này.
Trong khi đó, theo ông Phan Thành Vững, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Âu chuyên về sản xuất mặt hàng đồ gỗ nội thất tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi tình hình dịch bệnh giảm bớt căng thẳng từ cuối quý 2 năm 2020 đã có một số khách hàng truyền thống quay lại đặt hàng. Nhà máy cũng rất mừng đã có một số khách hàng mới từ châu Âu muốn hợp tác.
Hiện nay doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu, nhân công để nắm lấy về cơ hội hợp tác khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã hiệu lực từ 1/8 nhưng về tình hình trong nước đang khó khăn trở lại đã lấy đi cơ hội rất lớn của các nhà sản xuất đồ gỗ.
Cần câu mới của doanh nghiệp gỗ
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng về tác động chung bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh so với cùng kỳ.
Chủ tịch Hiệp hội ngành gỗ tỉnh Bình Dương Điền Quang Hiệp chia sẻ hiện “thủ phủ” Bình Dương có trên 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ (chiếm 40% số doanh nghiệp gỗ trên cả nước).
Ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ ở “ thủ phủ” này cũng đang chiếm giá trị kim ngạch xuất khẩu rất lớn trong toàn quốc.
Trước những thách thức trong giai đoạn tới, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở “ thủ phủ” Bình Dương đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động xây dựng các hệ thống bán hàng online, giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.
Hiện hình thức này chiếm hơn 50% số đơn hàng của các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Hiệp trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp thì việc phát huy giao dịch qua mạng đang là một xu hướng tất yếu trên thế giới mà các doanh nghiệp gỗ cần xúc tiến nhanh để nắm lấy cơ hội. Với xu hướng thương mại điện tử này, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương đang bị chậm đà hơn so với các nước khác từ 1 đến 2 năm.
Tuy nhiên hiện thương mại điện từ là “cần câu” để các doanh nghiệp bắt nhịp được xu thế góp phần cho mảng thương mại này chiếm xấp xỉ 50% tổng số đơn hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua giao dịch thương mại điện tử đạt như hiện nay là thông tin đáng mừng.
Sự lạc quan và kỳ vọng là rất lớn trong 6 tháng cuối năm nên các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch khi tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ được kiểm soát tốt; qua đó sẽ đón những đơn hàng xuất khẩu mới “hoành tráng” hơn.
Với động lực mới này, ngành gỗ kỳ vọng vẫn duy trì tăng trưởng dương vào những tháng cuối năm 2020; trong đó sẽ đón đợt kích cầu tốt từ thị trường thương mại châu Âu sẽ mở ra nhiều cơ hội sản xuất và việc làm cho người lao động.
Để đảm bảo mức tăng trưởng dương cho ngành chế biến gỗ, theo đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ngành gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất nhiều giải pháp cần tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng chịu đựng duy trì sản xuất như chính sách giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; đề xuất các ngân hàng thương mại giảm lãi suất về mức 2%, giãn thời gian hoàn thành các khoản nợ đáo hạn; tạm ngưng đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp./.