Bộ Công Thương cho biết Ngân hàng Thế giới ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030; đồng thời, có thêm từ 100.000-800.000 người thoát nghèo.
Đây là những lợi ích cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.
Không những thế, lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ với những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong các hiệp định này.
[EVFTA: Kế hoạch chuẩn bị thực thi năm 2020 và các năm tiếp theo]
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử.
Đáng lưu ý, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua.
Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì sản phẩm của Việt Nam nói chung còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác, chẳng hạn 62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực ôtô.
Đặc biệt, phải tăng cường nỗ lực để cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu.
Với việc EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ EU và trên toàn thế giới. Hơn nữa, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo.
Vì thế, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh việc hình thành cơ chế xử lý khiếu nại đầu tư một cách hệ thống để xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau dịch CCVID-19 cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, giúp nền kinh tế có thêm động lực phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ban, ngành liên quan để sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực thi EVFTA.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết giai đoạn 1 (năm 2020), các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý của bộ để chủ động hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong EVFTA.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009; chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Hiệp định CPTPP về đấu thầu để hướng dẫn riêng đối với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA và tiến hành thực hiện bổ sung các cam kết thực thi EVFTA.
Đồng thời, rà soát Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA; Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan; xây dựng Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA…
Giai đoạn 2 (năm 2021-2025), Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công Thương để chủ động, hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, tới đây Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định EVFTA. Theo đó, sẽ biên soạn sách hướng dẫn về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước-nhà nước trong EVFTA, các FTA và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên./.