Hiệp định PCA Việt Nam-EU được Thượng viện Pháp phê chuẩn

PCA cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn trên cơ sở phát triển quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện.
Hiệp định PCA Việt Nam-EU được Thượng viện Pháp phê chuẩn ảnh 1Quang cảnh buổi thảo luận ngày 17/12 tại Thượng viện Pháp. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (PCA) đã được Thượng viện Pháp phê chuẩn tại phiên họp ngày 17/12 tại Paris, với 100% ý kiến tán thành.

PCA là Hiệp định khung điều chỉnh quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) thay thế Hiệp định khung Việt Nam-EC năm 1995.

PCA cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn trên cơ sở phát triển quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện. Hiệp định đã được hai bên ký kết ngày 27/6/2012 và sẽ có hiệu lực sau khi được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

Quốc hội Pháp cũng đã có kế hoạch sớm xem xét phê chuẩn PCA vào đầu năm 2016. Nếu được cả hai viện của Nghị viện Pháp phê chuẩn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, giữa Việt Nam và Pháp nói riêng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại buổi thảo luận tại trụ sở Thượng viện Pháp, bà Annick Girardin, Quốc vụ khanh đặc trách về Phát triển và Pháp ngữ đã trình bày quan điểm của chính phủ Pháp trong đó đánh giá cao sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với giá trị trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng cũng như ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp vào đầu tư và làm ăn tại Việt Nam.

Về phần mình, bà Hélène Conway-Mouret, báo cáo viên của Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Lực lượng vũ trang của Thượng viện, đã trình bày nội dung dự luật gồm 8 chương, 65 điều quy định về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường…

Các đại biểu đại diện cho sáu nhóm thượng nghị sĩ đã phát biểu ý kiến. Đa số các ý kiến đều nhất trí với quan điểm của chính phủ Pháp về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp và cho rằng cần sớm phê chuẩn hiệp định nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa Việt Nam và EU, trong đó có quan hệ Việt Nam-Pháp.

Ông Michel Billout, Thượng nghị sĩ tỉnh Seine et Marne (vùng Ile-de-France) cho rằng hiệp định này sẽ mở đường cho một khuôn khổ hợp tác sâu rộng, bền vững và cùng có lợi giữa Việt Nam và EU, do EU là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Trên phương diện quan hệ Pháp-Việt, PCA cùng với quan hệ đối tác chiến lược đã được hai nước Việt Nam và Pháp ký kết vào tháng 9/2013 sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển của mỗi nước.

Về phần mình, bà Hélène Luc, nguyên Thượng nghị s​ỹ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã bày tỏ niềm vui khi hiệp định được thông qua. Theo bà, việc phê chuẩn này đã biến các quyết tâm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trở thành một đạo luật có hiệu lực đưa quan hệ Pháp-Việt tương xứng với tầm đối tác chiến lược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.