Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Để hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia RCEP, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
- Theo bà, Hiệp định RCEP có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hiệp định RCEP được đàm phán trong 8 năm nhưng hai năm cuối là những năm khó khăn. RCEP được đàm phán trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố phức tạp như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dẫn tới xu hướng bảo hộ leo thang, cùng với đó là xu hướng co cụm và tính lợi ích quốc gia đặt lên trên tự do thương mại.
Bên cạnh đó, cuối năm 2019, Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán làm nhiều nước tham gia đàm phán bối rối. Ngoài ra, đến năm 2020, dịch COVID -19 xuất hiện làm bối cảnh kinh tế thế giới trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn quyết tâm thúc đẩy đàm phán và tham gia hiệp định RCEP.
Với vai trò là chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN 37, hiệp định RCEP được ký kết cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam. Điều này cũng thể hiện cho các nước thấy Việt Nam là đối tác đáng tin cậy, và uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
- Bà có thể nói rõ hơn Hiệp định RCEP có gì khác biệt so với các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã và đang tham gia?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hiệp định RCEP khác với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) khác trước hết ở quy mô. Việt Nam chưa có hiệp định thương mại nào có quy mô dân số, thị trường và GDP lớn như RCEP.
[Doanh nghiệp tự trang bị kiến thức để đón bắt cơ hội từ Hiệp định RCEP]
Có thể thấy Hiệp định RCEP là hiệp định toàn diện hơn so với các FTA khác. RCEP với phạm vi tự do hóa cũng như các vấn đề bàn thảo trong RCEP vượt ra ngoài tất cả các hiệp định đơn lẻ mà Việt Nam đã tham gia.
Ví dụ như trong các hiệp định song phương đơn lẻ mở cửa dịch vụ rất hạn chế thì trong Hiệp định RCEP lại rất mạnh mẽ. Những yếu tố về mặt quy tắc như thương mại điện tử, cạnh tranh… trong Hiệp định RCEP đều có mà các hiệp định đơn lẻ khác không có.
Tuy nhiên, từ góc độ hiệp định thương mại thế hệ mới, Hiệp định RCEP có mức độ tham vọng thấp hơn và ít các yêu cầu hơn. Cụ thể hơn, Hiệp định RCEP đặt ra các vấn đề về mua sắm công; môi trường; lao động….
Tuy nhiên, Hiệp định RCEP lại khác ở các yếu tố, các đối tác của RCEP là chủ của rất nhiều chuỗi sản xuất lớn trên thế giới khác với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Vì vậy, Hiệp định RCEP cho phép Việt Nam kết nỗi chuỗi cung ứng toàn cầu tốt hơn so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.
- Theo bà, Việt Nam có cơ hội gì trong việc phát huy hiệu quả Hiệp định RCEP?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Bản thân Hiệp định RCEP đã mang lại cho Việt Nam uy tín và vị thế đáng tin cậy trong hội nhập kinh tế với thế giới. Nếu xét về kinh tế có 3 yếu tố có thể đánh giá là lợi thế:
Thứ nhất, RCEP bao trùm khu vực kinh tế là nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu máy móc thiết bị lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam. Hiệp định RCEP cho phép Việt Nam tận dụng tốt cơ hội luồng di chuyển hàng hóa và sản xuất.
Thứ hai, trong RCEP bao trùm chuỗi sản xuất lớn nhất thế giới, nên việc kết nối với các nền kinh tế RCEP thuận lợi và nhanh chóng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội lớn hơn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng tăng thêm giá trị của Việt Nam trong chuỗi này.
Thứ ba, bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và dịch COVID-19 xuất hiện luồng dịch chuyển vốn FDI nhằm đa dạng hóa và tránh tập trung vào một thị trường nhất định. Bối cảnh đó giúp Việt Nam có thể kết nối với Trung Quốc và các thị trường khác trong chuỗi sản xuất. Đây cũng là cơ hội tốt và thêm điểm cộng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
- Cơ hội luôn song hành cùng thách thức, vậy theo bà Hiệp định RCEP tạo ra những thách thức gì đối với kinh tế Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Bên cạnh cơ hội, Hiệp định RCEP có nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt tương tự như các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia.
Xét về góc độ nền kinh tế, RCEP là khối gồm nhiều đối tác mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Vì thế, tham gia RCEP có thể làm tăng nhập siêu của Việt Nam đối với khu vực này, còn tất nhiên tổng thể có thể khác.
RCEP là hiệp định thương mại tư do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn không cao bằng hiệp định khác như CPTPP và EVFTA. Vì vậy, cũng có lo ngại cho rằng tiêu chuẩn không quá cao của RCEP sẽ làm Việt Nam mất động lực cải cách về mặt thể chế vì chỉ với yêu cầu hiện tại là đã đáp ứng được rồi.
Từ góc độ thu hút FDI, các nền kinh tế trong RCEP cũng hầu hết là các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều nhất. Tuy nhiên, trong đó cũng có các đối tác có trình độ kỹ thuật không cao, chất lượng đầu tư chưa tốt hay thậm chí có những đầu tư trá hình, gian lận … điều này tạo ra nguy cơ có những đầu tư không tốt cho nền kinh tế.
Xét về góc độ vi mô, Hiệp định RCEP cũng tạo ra thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp khi Việt Nam phải mở cửa hàng hóa và dịch vụ ngay chính trong thị trường trong nước. Thậm chí, các doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh cao hơn ở thị trường nước ngoài.
- Để tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, theo bà Việt Nam cần thực hiện những giải pháp gì?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Theo tôi có 3 nhóm giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều yếu tố khó lường.
Việt Nam cũng cần giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực... Nếu Việt Nam làm tốt những vấn đề này thì không chỉ là Hiệp định RCEP mà cả các hiệp định khác Việt Nam cũng sẽ tận dụng hiệu quả hơn.
Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, cần có chính sách công nghiệp rõ nét. Việt Nam cần xác định ngành công nghiệp nào là công nghiệp mũi nhọn thì mới xác định được ngành công nghiệp hỗ trợ nào đi cùng và các yếu tố khác đi kèm chính sách này.
Thứ ba, Việt Nam phải thay đổi cơ bản về cơ chế kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguồn vốn FDI. Việt Nam đẩy mạnh đón dòng vốn dịch chuyển FDI là đúng và cần thiết nhưng phải cẩn trọng để tránh trở thành điểm đến của FDI có công nghệ lạc hậu, chất lượng kém hay FDI trá hình…
- Bà có khuyến nghị chính sách gì với cộng đồng doanh nghiệp để có thể có hiệu quả tốt nhất trong thực thi Hiệp định RCEP?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp có mạnh thì cơ hội mới chớp được và thách thức cũng dễ dàng vượt qua. Vì vậy, theo tôi đối với doanh nghiệp vẫn là câu chuyện không mới đó là nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tôi nghĩ giai đoạn dịch COVID-19 là khó khăn nhưng đôi khi sức ép từ khó khăn lại là cơ hội để doanh nghiệp có thêm sức ép đổi mới mình và nhìn định hướng trong tương lai dài hơn. Về chi tiết, để hiểu được Hiệp định RCEP, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu về các cam kết của RCEP sau đó có hành động để sẵn sàng tận dụng cho các cơ hội đó, đồng thời cũng cần chủ động đón nhận các thách thức.
- Xin cảm ơn bà!