Hiệp định TPP đang tiến đến giai đoạn đàm phán then chốt

Hiệp định TPP đang tiến đến giai đoạn đàm phán then chốt với gần 20 lĩnh vực xếp vào loại phức tạp về mặt kỹ thuật, nhạy cảm trong việc mở cửa thị trường.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến đến giai đoạn đàm phán then chốt với gần 20 lĩnh vực xếp vào loại phức tạp về mặt kỹ thuật và nhạy cảm trong việc mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, các nước tham gia TPP đều có chung quan điểm không hoán đổi chất lượng của Hiệp định TPP để lấy thời hạn kết thúc đàm phán.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, đến nay TPP đã thực hiện được 19 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán nhóm.

12 quốc gia tham gia TPP đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số lĩnh vực mang tính kỹ thuật, không quá nhạy cảm như hợp tác và xây dựng năng lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh thuần túy…. Mục tiêu ban đầu mà các nước đặt ra là quyết tâm kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013 nhưng thực tế, khối lượng các vấn đề còn lại rất nhiều và phức tạp.

Bản thân các Bộ trưởng đã vào cuộc (qua 5 phiên đàm phán) nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp ổn thỏa mà tất cả các bên đồng thuận. Kỳ vọng kết thúc đàm phán trong 6 tháng đầu năm nay cũng không còn cơ hội và được xác định ngay sau Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Singapore vào tháng Năm vừa qua.

Cũng theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Việt Nam cũng như các nước đã đặt ra các lợi ích và nghĩa vụ của từng quốc gia và đều thống nhất, chỉ khi nào các bên đều có được sự cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ, lúc đó TPP mới có thể kết thúc đàm phán.

Việt Nam cũng như các nước không sẵn sàng hy sinh quyền lợi chỉ để đáp ứng một thời hạn nào đó. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vẫn đang băn khoăn về lợi ích và thách thức khi Hiệp định TPP được ký kết nhưng có thể khẳng định, chắc chắn sẽ có những lợi ích cốt lõi đối với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Liên quan đến thuế quan, Việt Nam sẽ đáp ứng quy tắc chung của TPP về việc xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó 90% là xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực), nhưng Việt Nam yêu cầu phải có được lộ trình giảm thuế cụ thể nhất là với các mặt hàng nhạy cảm.

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam hiện nay là 13%, trong khi thuế bình quân của Hoa Kỳ khoảng 4%, Nhật Bản là 3% và Australia chỉ hơn 2%. Do vậy, rõ ràng thời gian mức thuế đi từ 1-4% về 0% ngắn hơn nhiều so với mức 13%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.