Với vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang có những bước chuyển tích cực để phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đặc biệt, nhờ cách làm hay và phù hợp đã tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đông đảo lực lượng xã viên tham gia vào loại hình kinh tế này, trong đó nhiều hợp tác xã kiểu mới được ra đời dựa trên ý tưởng khởi nghiệp của thế hệ trẻ và bước đầu đã cho quả ngọt.
Diện mạo mới
Trong tiềm thức người dân Việt, mỗi khi nhắc đến hợp tác xã mọi người thường hay liên tưởng về mô hình hợp tác xã những năm 70 với nhiều khó khăn đeo đẳng suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, nhiều hợp tác xã kiểu cũ đã chuyển đổi cùng sự hiện diện của các mô hình mới khiến diện mạo của kinh tế tập thể ngày càng thay đổi.
Đến với Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) những ngày này, hẳn ai cũng dễ nhận thấy sức sống tràn trề như chính mô hình hợp tác xã mà Giám đốc Vũ Thị Lệ Thủy, sinh năm 1983, điều hành.
Theo chị, trong số 22 thành viên của Hợp tác xã thì có tới già nửa thuộc thế hệ 9x và những gương mặt 8x như chị đang là già làng của hợp tác xã này.
Chính nhờ sức trẻ đã truyền sự nhiệt huyết và cảm hứng cũng như tạo sự liên kết cho khu vực kinh tế tập thể.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới cũng qua đó phát triển mạnh hơn và ngày càng thu hút một lượng lớn xã viên tham gia.
Với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 gồm 7 thành viên trên diện tích 12,5ha.
Sau một năm hoạt động, hợp tác xã đã mở rộng diện tích sản xuất lên 29,5ha với số thành viên tăng lên thành 22.
Mặc dù mới thành lập nhưng với tư duy nhạy bén, Ban lãnh đạo hợp tác xã cùng các xã viên đã đồng tâm hiệp lực với mục tiêu nâng chất cho sản phẩm, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm cam Cao Phong.
Vì thế, quy trình sản xuất của hợp tác xã được thực hiện nghiêm ngặt do chỉ sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm sóc và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cũng chính nhờ đó, năm 2018 tổng sản lượng cam của hợp tác xã đã đạt khoảng 300 tấn với doanh thu hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong còn kết nối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội lắp đặt mô hình rửa, phân loại, xử lý bọc màng sinh học bảo quản sản phẩm; đồng thời dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã Vũ Thị Lệ Thủy, việc thuyết phục bà con trồng nguyên liệu theo quy trình không hề dễ dàng bởi lối tư duy cũ kỹ, ăn xổi.
Hơn nữa, việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là áp lực không nhỏ đối với Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong khi tìm chỗ đứng trên thị trường.
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm nay cả nước đã thành lập mới 1.024 hợp tác xã, 1 Liên hiệp Hợp tác xã và 2.689 tổ hợp tác với gần 900.000 thành viên mới tham gia.
Đáng chú ý, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt gần 54% với tổng doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng; thu nhập của người lao động 3,5 triệu đồng/tháng.
['Liên minh Hợp tác xã là đầu mối cho phát triển kinh tế tập thể']
Đặc biệt, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã cũng đang đóng góp 4% GDP cả nước, thu nhập mỗi hộ thành viên cũng tăng 30% sau khi tham gia vào hệ thống kinh tế tập thể.
Tiếp thêm sức mạnh
Qua khảo sát tại một số địa phương, hầu hết các hợp tác xã đều chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động, nhất là vấn đề nhân lực trình độ cao, đất đai, nguồn vốn.
Chị Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bày tỏ, hiện tại hợp tác xã chủ yếu huy động nguồn vốn từ các xã viên và chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào của Nhà nước.
Với vốn điều lệ của hợp tác xã là 2 tỷ đồng, nhưng trong quá trình hoạt động kinh doanh có lúc phải huy động gấp 10 lần bởi ngoài sản xuất chè, hợp tác xã còn tổ chức thu mua từ các hợp tác xã khác để xuất khẩu.
Do đó, nhu cầu về nguồn vốn là rất lớn, song quy định cho vay từ ngân hàng lại khắt khe và nếu được vay cũng không quá 2 tỷ đồng.
Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Chí Chinh, Giám đốc Hợp tác xã Gia Thịnh ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết nguồn vốn luôn là khó khăn đeo đẳng hợp tác xã suốt bao năm qua.
Mặc dù đi vào hoạt động từ tháng 8/2008, ban đầu chỉ có 10 thành viên với vốn điều lệ 200 triệu đồng và đến nay cũng mới đạt 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là từ trước đến nay vốn điều lệ chủ yếu được huy động từ các thành viên và người thân trong gia đình bởi tiếp cận nguồn vốn không hề dễ dàng, kể cả vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Hơn nữa, dù đã hoạt động hơn 10 năm nhưng mặt bằng sản xuất vẫn bị bó hẹp, trụ sở giao dịch cũng nằm trong khuôn viên gia đình.
Đây cũng là những hạn chế không nhỏ khiến hợp tác xã chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Phương, nằm trên địa bàn Tây Bắc nên việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Sơn La gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Ngoài ra, trình độ cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng gây khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp thu những chính sách mới về phát triển hợp tác xã.
Các chuyên gia cho rằng hiện tỷ lệ hợp tác xã ở Việt Nam hoạt động hiệu quả vẫn còn khiêm tốn và gặp nhiều vướng mắc về pháp lý chưa thể giải quyết.
Không những thế, nhiều chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị hợp tác xã cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống khiến các hợp tác xã kiểu mới gặp khó khăn khi dùng tài sản thế chấp ngân hàng.
Để khắc phục những bất cập, yếu kém và tạo động lực cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, tới đây Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ duy trì hoạt động tín dụng nội bộ hợp tác xã như một hình thức sử dụng tiền vốn tạm thời nhàn rỗi chung để hỗ trợ đời sống và sản xuất của các thành viên.
Bên cạnh đó, siết chặt hình thức quản lý, tránh trường hợp lợi dụng tín dụng nội bộ hợp tác xã trở thành tín dụng thương mại hoặc tín dụng đen.
Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đưa khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, xứng với tiềm năng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; trong đó, có kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.