Hiệu ứng từ đại kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của Mỹ

Dự án cơ sở hạ tầng lớn của Mỹ nhằm cải thiện đường sá, cầu cống và hệ thống hạ tầng Internet băng thông rộng, góp phần kích thích thị trường vốn và thị trường hàng hóa trong tương lai.
Hiệu ứng từ đại kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau gần 3 tháng công bố, kế hoạch phục hồi kích thích kinh tế trị giá 2.300 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã xuất hiện hy vọng được Quốc hội thông qua, chí ít là với kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng khổng lồ.

Kế hoạch này không chỉ tạo hiệu ứng mạnh đối với kinh tế Mỹ, mà nhận thức chung về sự hình thành của nó có thể khiến nhiều người bất ngờ.

Bao giờ cho đến tháng 10

Ngày 24/6, ông Biden thông báo sau cuộc gặp với một số thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, Nhà Trắng và các thượng nghị sỹ của hai đảng đã đạt được thỏa thuận về dự án cơ sở hạ tầng lớn nhằm cải thiện đường sá, cầu cống và hệ thống hạ tầng Internet băng thông rộng.

Điều đó có nghĩa khung kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng do ông Biden đưa ra hồi cuối tháng 3/2021 đã nhận được sự ủng hộ của 11 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và 10 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ. Kế hoạch này có thể được thông qua ở Thượng viện với sự ủng hộ của ít nhất 60/100 thượng nghị sỹ.

Tuy ông Biden không đề cập tới quy mô, nhưng theo tiết lộ của truyền thông Mỹ, kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng diễn ra trong 8 năm, trị giá 1.200 tỷ USD, trong đó có 559 tỷ USD là chi tiêu mới bổ sung.

Có nguồn tin nói rằng tổng quy mô đầu tư các dự án mới trong lĩnh vực đường sá, công trình điện lực và Internet băng thông rộng đạt 579 tỷ USD. Nếu thông tin này chính xác, quy mô của kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng thấp hơn quy mô kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra sau khi nhượng bộ hồi cuối tháng 5/2021 là 1.700 tỷ USD.

Con số mới gần với mức mà tiểu ban giải quyết các vấn đề lưỡng đảng tại Thượng, Hạ viện đưa ra là 1.250 tỷ USD. Nếu xem xét các tuyên bố mới nhất, có thể thấy chính quyền của ông Biden đã nhượng bộ trên phương diện thu thuế.

[Kinh tế Mỹ: Còn nhiều dấu hiệu đáng ngại đằng sau mức tăng trưởng cao]

Đảng Cộng hòa từng cam kết sẽ không thay đổi việc cắt giảm thuế mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã thông qua vào năm 2017. Tối 23/6, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Charles Ellis Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ đã gặp gỡ các quan chức Nhà Trắng.

Họ đều để ngỏ khả năng ủng hộ một khung kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng. Nhà Trắng nói rằng cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý với lời kêu gọi của ông Biden là không tăng thuế đối với những công dân có thu nhập hàng năm dưới 400.000 USD.

Chính quyền của ông Biden còn tuyên bố sẽ không ủng hộ việc tăng thuế xăng dầu và tăng phí đối với người sử dụng xe điện, coi đây như một phần trong khung kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng lưỡng đảng.

Mục tiêu hiện tại của bà Pelosi và ông Schumer là thông qua một kế hoạch có quy mô lớn hơn để xử lý nhiều sự vụ ưu tiên của đảng Dân chủ hơn. Kế hoạch này có thể bao gồm các dự án về chăm sóc người già và trẻ em, giáo dục, y tế và biến đổi khí hậu.

Một số hãng truyền thông cho biết các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện đã bắt đầu xem xét trình kế hoạch chi tiêu trị giá 6.000 tỷ USD và nghiên cứu việc lợi dụng quy trình điều phối ngân sách nhằm thông qua kế hoạch của họ mà không cần tới lá phiếu ủng hộ từ những các nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Trở lại với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden, hai đảng vẫn cần xác định cách thức hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đảng Dân chủ phải thuyết phục các nhà lập pháp tiến bộ của mình ủng hộ một thỏa thuận cơ sở hạ tầng hẹp hơn giữa các bên.

Đồng thời, đảng Dân chủ còn phải thuyết phục phe trung lập ủng hộ việc mở rộng chương trình này sang các dự án xã hội và dự án chống biến đổi khí hậu.

Ngày 24/6, ông Schumer cho biết sau khi nhóm họp trở lại vào tháng 7/2021, Thượng viện sẽ bỏ phiếu lần đầu cho kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng. Các thượng nghị sỹ cũng nên chuẩn bị xem xét các nghị quyết về ngân sách để dọn đường cho việc thông qua dự luật điều phối ngân sách càng sớm càng tốt.

Cùng ngày, bà Pelosi cho biết chỉ khi nào Thượng viện thông qua dự luật điều phối ngân sách, Hạ viện mới không thông qua thỏa thuận lưỡng đảng về cơ sở hạ tầng.

Giới truyền thông bình luận rằng điều này gây áp lực ủng hộ dự luật điều phối ngân sách lên những nhà lập pháp theo phe “ôn hòa” muốn thông qua thỏa thuận lưỡng đảng về kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, theo nguồn tin nội bộ đảng Dân chủ, phe tiến bộ lại phải đối mặt với áp lực ủng hộ thỏa thuận lưỡng đảng về kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng bởi vì luật tái cấp quyền cho các dự án đường cao tốc liên bang sẽ hết hạn vào cuối tháng 9/2021 mà thỏa thuận lưỡng đảng lại bao gồm cả nội dung gia hạn luật này.

Do cả Thượng viện và Hạ viện đều phải bỏ phiếu thông qua nghị quyết về ngân sách, cho nên, Hạ viện có thể sẽ phải thông qua trước vào tháng Ba để văn bản này tiếp tục được thông qua tại Thượng viện vào ngày 9/8 như thông báo của lãnh đạo Thượng viện cho các hạ nghị sỹ đảng Dân chủ.

Tiếp đó, trong suốt kỳ nghỉ Hè vào tháng Tám, đảng Dân chủ sẽ soạn thảo dự luật điều phối ngân sách để Thượng viện thông qua vào tháng Chín. Điều đó có nghĩa là thỏa thuận lưỡng đảng về kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể phải đợi tới tháng Chín mới được Quốc hội thông qua còn dự luật điều phối ngân sách có thể phải lùi tới tháng 10/2021.

Hiệu ứng lan tỏa từ một nhận thức chung

Đảng Cộng hòa luôn thiên về chủ nghĩa tự do kinh tế mới, không ủng hộ việc chính phủ bội chi và có xu hướng bảo vệ các lợi ích đã đạt được. Vì thế, kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng khổng lồ của ông Biden vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa.

Việc đảng Cộng hòa khá bảo thủ trong lĩnh vực tăng chi tiêu chính phủ, xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những lý do khiến cơ sở hạ tầng hiện nay ở Mỹ xuống cấp nghiêm trọng.

Nhưng tại sao cuối cùng, đảng Cộng hòa vẫn sẵn sàng hợp tác với ông Biden trong kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng. Có phân tích cho rằng nguyên nhân thúc đẩy rất có thể là nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những thành tựu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây hoàn toàn chứng minh rằng cơ sở hạ tầng có thể giảm chi phí sản xuất một cách hiệu quả và tăng tính di chuyển của dân cư.

Đặc biệt đối với Trung Quốc, quốc gia có lãnh thổ rộng lớn, cơ sở hạ tầng là chìa khóa quan trọng để phát triển các khu vực nội địa.

Từ những năm 1990, Mỹ bắt đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang phát triển tài chính, sử dụng vị thế bá quyền của đồng USD để thu lợi trên toàn thế giới, nhưng cũng làm rỗng các ngành công nghiệp trong nước.

Trong những năm gần đây, tất cả các bên ở Mỹ đều nhận ra rằng việc khai thác nền công nghiệp sản xuất sẽ khiến Mỹ không thể cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc. Thành công của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng góp phần thay đổi quan điểm tiêu cực của đảng Cộng hòa rằng cơ sở hạ tầng "không kiếm ra tiền."

Cách đây vài năm khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng nhận thấy sự “rỗng tuếch” của ngành chế tạo. Tuy nhiên, kinh nghiệm của cuộc chiến thương mại cho thấy việc chỉ tăng thuế không thể đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ mà ngược lại sẽ làm lạm phát tăng lên.

Do đó, đảng Cộng hòa có khả năng chấp nhận kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của ông Biden với hy vọng cải thiện ngành chế tạo Mỹ và giúp nước này duy trì sức mạnh kinh tế chống lại Trung Quốc.

Theo hãng tư vấn ANBOUND, việc chính phủ và Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận về kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng, đây là tiến bộ lớn nhất về nội chính kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Điều này sẽ không chỉ có tác động đáng kể đến năng lực quản trị của chính quyền Tổng thống Biden mà còn ảnh hưởng quan trọng đến thị trường vốn, đầu tư và thậm chí cả chính trị trong nước của Mỹ.

Trước hết, cần thừa nhận rằng việc Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận với các thành viên Quốc hội về kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng là một thắng lợi quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden.

Điều này chứng tỏ ông Biden vẫn có khả năng đạt được những mục tiêu mà mình muốn thông qua đàm phán và thỏa hiệp trong một môi trường chính trị “phân cực” ở Mỹ hiện nay. Quan trọng hơn, thắng lợi của ông Biden cho thấy đảng Cộng hòa đã nhượng bộ còn ông Biden duy trì lập trường vững vàng trong suốt cuộc đàm phán. Nếu dự luật này cuối cùng có thể thành hiện thực, dự luật sẽ gây chia rẽ hơn nữa các phe phái khác nhau trong đảng Cộng hòa.

Bên cạnh đó, việc tiến gần hơn để đạt được kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng sẽ hình thành sự hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế Mỹ. Kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng sẽ sửa chữa cầu đường, đầu tư vào giao thông đường sắt và đường cao tốc; đầu tư trọng điểm vào năng lượng sạch, sẽ thay thế hoàn toàn các đường ống dẫn nước có chì trong trường học và và sẽ đầu tư vào Internet tốc độ cao.

Theo ông Biden, kế hoạch này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao mà có thể không cần các nhà thầu nước ngoài. Nếu kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ này được thực hiện thì sẽ hỗ trợ đáng kể và thực chất cho nền kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ kích thích thị trường chứng khoán Mỹ và giá năng lượng tăng lên. Kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của ông Biden đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bên và điều này đã thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường.

Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ gần đây đều tăng mạnh. Các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ và triển vọng phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu.

Việc thực hiện kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của Mỹ cũng được nhìn nhận là sẽ kích thích thị trường vốn và thị trường hàng hóa tăng giá trong tương lai.

Nói tóm lại, kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng của Chính phủ Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bên, sẽ dần được triển khai trong tương lai. Tiến bộ này là một thành tựu chính trị trong nước lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và giúp củng cố vị thế của đảng Dân chủ trên chính trường.

Đồng thời, kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế Mỹ, thị trường vốn và giá dầu, đồng thời giúp củng cố kỳ vọng của thị trường đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.