Hiểu về ‘Mo’ qua tái hiện nghi Lễ mát nhà của người Mường

Buổi tái hiện làm cuộc sống tâm linh của người Mường hiện lên sống động, đặc sắc và đậm chất bản sắc. Hiện Mo Mường đã được nộp hồ sơ đệ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thầy mo vẩy nước để làm phép, tượng trưng cho việc làm mát nhà trong nghi lễ cùng tên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), nghi lễ mát nhà của người Mường, Hòa Bình được tái hiện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu Mo Mường, di sản văn hóa đã được chính phủ đệ trình UNESCO.

"Mo Mường" là từ dùng để chỉ nghề thầy mo và những áng mo đợc người này nói, hát khi làm lễ. Làm mát nhà là một trong 23 nghi lễ truyền thống của cuộc đời người Mường.

Nghệ nhân, thầy mo Bùi Văn Hải (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết mục đích của nghi lễ này là cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, hạnh phúc cho gia đình làm lễ. Trong các câu mo, bài khấn, thầy mo sẽ kể về sự tích người Mường, có các đấng bề trên chia đôi không gian thành trời và đất, sinh ra vạn vật, thời gian, sinh ra cái thiện-cái ác và cả các thầy mo.

[Độc đáo di sản văn hóa Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường]

Giống nhiều nghi lễ khác, các câu mo trong Lễ mát nhà đều phản ánh thế giới quan, kinh nghiệm sống, tri thức, đậm đặc đời sống tâm linh, tinh thần của người Mường. Người Mường có năm làn điệu mo, trong tiếng bản địa gọi là "Ò hoi," "Dà đôông," "Dà dê," "Hâm mo" và "Hệu kệu," dựa trên những từ ngữ đầu tiên trong bài mo đó để xin vía cho trẻ mới sinh, trừ tà ma cho người bệnh đau ốm, làm đám cưới, mừng nhà mới, làm mát nhà...

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền giám đốc Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết đây là hoạt động nhằm giới thiệu và tôn vinh Mo Mường - một hình thức diễn xướng dân gian quốc gia - đặc biệt là trong bối cảnh di sản này đã được lập hồ sơ đệ trình UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) để công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Buổi tái hiện Lễ mát nhà, một trong các nghi lễ đặc trưng cho di sản Mo Mường. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Dụng cụ của thầy mo gồm một túi khót - dụng cụ giống như dao làm từ đồng và đá, dùng để liên hệ giữa người âm với người dương mà chỉ thầy mo mới có và làm được. Bên cạnh đó, thầy mo còn có sách roi làm từ những que tre, trên đó khắc ngày, giờ lành, xấu cho cả một năm.

Tiếp theo, thầy mo sẽ hỏi tên, làm phép cho các sợi chỉ đỏ để buộc vào cổ tay người tham dự. Đây là một hình thức cầu may, cầu sức khỏe, cuộc sống thuận hòa cho người tham dự. Thầy mo vừa vẩy nước, vừa niệm chú để làm mát các đồ đạc trong nhà.

Sau cùng, gia đình chuyển sang phần hội và mời thầy mo cùng chung vui, uống rượu cần, kết thúc một buổi tái hiện đầy ý nghĩa và không kém phần trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc Mường.

Xem video buổi tái hiện:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục