Hơn 10 năm thực hiện pháp lệnh phòng chống mại dâm đã bộc lộ nhiều quy định, chính sách không phù hợp với thực tiễn, thậm chí tình hình mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có một quan điểm mới trong công tác phòng chống mại dâm.
Phòng, chống mại dâm với quan điểm đây là tệ nạn xã hội hay vấn đề xã hội sẽ quyết định những chính sách để giải quyết vấn đề này.
Những nội dung này đã được thảo luận tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand nhằm góp phần định hướng để đổi mới cách tiếp cận vấn đề mại dâm, bảo đảm quyền công dân; hướng đến mục tiêu quản lý mại dâm hiệu quả ở Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 22/0 tại Hà Nội.
Trước những yêu cầu mới đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm nhằm thể chế hóa quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam
Trình bày về định hướng và lộ trình xây dựng Luật về mại dâm ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết có một số ý kiến đề nghị lấy tên luật là “Luật Quản lý mại dâm” hay “Luật phòng ngừa mại dâm” với quan điểm mại dâm là vấn đề xã hội, khó có thể loại trừ khỏi đời sống xã hội. Do vậy, nên đặt vấn đề “quản lý” thay vì phòng chống vì phòng, chống không bao gồm các biện pháp can thiệp giảm hại.
“Chúng tôi cho rằng vấn đề mấy chốt không chỉ là tên gọi mà liên quan đến quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với việc xử lý vấn đề mại dâm ở Việt Nam. Sử dụng khái niệm ‘quản lý’ cũng sẽ dễ gây hiểu nhầm là ‘hợp pháp hóa’ mại dâm,” ông Nguyễn Xuân Lập nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo đến từ New Zealand đã chia sẻ kinh nghiệm phi hình sự hóa mại dâm ở quốc gia này để xây dựng các chính sách phòng, chống mại dâm ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, năm 2003, đạo luật cải cách về mại dâm được New Zealand ban hành, mại dâm không bị hình sự hóa. Đạo luật hướng đến nâng cao phúc lợi, đẩy mạnh các điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho người bán dâm; đưa ra các trách nhiệm, mức xử phạt cụ thể đối với những người điều hành cơ sở mại dâm, bản thân người bán dâm và khách hàng...
Đáng chú ý, khi đạo luật này ra đời, số lượng người bán dâm đường phố không tăng, mặc dù đạo luật giải quyết được vấn đề kỳ thị gắn liền với mại dâm nhưng công việc này trở nên an toàn hơn đối với người bán dâm.
Trước những kinh nghiệm từ phía New Zealand, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, hiện tại còn sớm để nói có nên bỏ hình sự hóa mại dâm hay không và cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm từ kinh nghiệm các nước.
“Theo tôi thì dù có hình sự hóa mại dâm hay không thì vẫn cần có những quy định, chính sách làm thế nào để không bỏ rơi một ai ra ngoài lề xã hội, cho dù người đó đang hoạt động mại dâm thì vẫn cần giúp đỡ, bảo vệ họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận tất cả các dịch vụ xã hội,” Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.
Theo lộ trình, năm 2016, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng báo cáo tổng quan đánh giá tác động của các chính sách pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm; thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về mại dâm, xây dựng đề cương sơ bộ dự án Luật. Năm 2017, Bộ sẽ xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết sự án luật, lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ và đến 2018 sẽ trình Quốc hội phê chuẩn dự án Luật này./.