Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn?

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của ngành hồ tiêu đạt gần 1,12 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đến 109 nước và vùng lãnh thổ.
Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn? ảnh 1Người trồng hồ tiêu ở "thủ phủ” Bình Phước khốn đốn vì tiêu chết hàng loạt. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Trong bối cảnh giá hồ tiêu vẫn đang rơi vào khủng hoảng giá thấp do cung vượt cầu, nhiều diện tích hồ tiêu bị sâu bệnh chết cũng như những thông tin “kém vui” từ vụ pha tạp chất vào tiêu bị phát hiện thời gian gần đây phần nào tác động tiêu cực đến ngành hàng này trên thị trường.

Tuy nhiên, vượt qua những tồn tại này, ngành hồ tiêu của Việt Nam tiếp tục hướng đến sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Hồ tiêu xuất khẩu rất an toàn

Theo ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai, trong mua bán hồ tiêu cho phép tỷ lệ tạp chất là 1%. Với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg tiêu như hiện nay, nếu kinh doanh số lượng lớn, lợi nhuận bất chính từ 1% tạp chất này sẽ rất cao.

Trước đây, ngành tiêu đã từng xảy ra hiện tượng trộn tạp chất như cọng tiêu, mủ tiêu, hạt đu đủ vào nguyên liệu nhưng nhuộm tạp chất với than pin rồi trộn vào lần đầu tiên nghe nói. Với mức độ độc hại của than pin, đây là một hành động không thể chấp nhận được.

Với kinh nghiệm từng làm việc tại một công ty chế biến xuất khẩu hồ tiêu, ông Bính cho rằng, các loại tạp chất, kể cả hồ tiêu nhuộm than pin cũng không thể nào lọt vào được các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thông thường, hồ tiêu nguyên liệu sau khi được thu mua từ các đại lý hay nhà cung ứng chuyên nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ loại bỏ tạp chất qua các công đoạn như thổi, rửa bằng hơi nước, sấy…

Quy trình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu hiện nay đủ khả năng loại bỏ được những tạp chất đó, kể cả hồ tiêu được nhuộm tạp chất than pin. Tuy nhiên, vụ việc trên có thể là cơ hội để những nước đối thủ trong xuất khẩu hồ tiêu nhân cơ hội này tạo dư luận không tốt cho thương hiệu hạt tiêu Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hồ tiêu là sản phẩm gia vị, nếu chẳng may trong sản phẩm có chứa dư lượng kháng sinh, hóa chất, thuốc trừ sâu hay kim loại nặng… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, phần lớn các nước nhập khẩu đều quy định và đưa ra các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về vấn đề này.

Chính vì những điều này mà vụ việc trộn tạp chất có chứa than pin vào hồ tiêu dù là hành vi cá biệt và sản phẩm “bẩn” khó có thể lọt qua quy trình xử lý, chế biến của doanh nghiệp, tuy nhiên cũng ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Là ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị trong nhiều năm, xuất khẩu đi trên 100 quốc gia, ngành hồ tiêu Việt Nam là ngành được các doanh nghiệp đầu tư mạnh với 20 nhà máy xử lý chế biến hồ tiêu sạch đạt chuẩn Quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, Halal, ISO 9001:2008, Certified BRC- food...

Với hệ thống thiết bị xử lý như vậy, những tạp chất chứa những chất như bột pin, sỏi đá sẽ nhanh chóng bị loại bỏ bằng hệ thống xử lý công nghệ hiện đại.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của ngành hồ tiêu đạt gần 1,12 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 109 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ.

"Các doanh nghiệp của VPA luôn vì uy tín thương hiệu của doanh nghiệp mình nên rất cẩn trọng trong khâu kiểm soát chất lượng, đặc biệt ngay từ khâu thu mua đầu tiên đó là chọn nhà cung ứng hồ tiêu có uy tín, chọn vùng mua nguyên liệu có uy tín và kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng mua vào từ đại lý bởi từ lâu các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đã biết nhiều mánh lới gian lận nên luôn có kinh nghiệm và giải pháp chống chọi," ông Hải khẳng định.

[Phát triển diện tích càphê không kiểm soát đã làm vỡ quy hoạch]

Hiện nay, đối với hạt tiêu bán trong nước, nếu qua hệ thống phân phối hiện đại như các siêu thị, rủi ro chất lượng kém sẽ ít hơn do các siêu thị yêu cầu hồ sơ chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn vào hệ thống phân phối của họ khá nghiêm ngặt và hạt tiêu bán tại đây đều là của các doanh nghiệp có nhà máy xử lý, chế biến hiện đại, có hồ sơ truy suất nguồn gốc, có thông tin về chất lượng trên bao bì rất rõ ràng.

Cụ thể như hệ thống Co.opmart hiện kinh doanh phổ biến sản phẩm tiêu hạt, tiêu xay trắng-đen của thương hiệu Maseco, Minh Hà...

Tùy theo trọng lượng có giá khác nhau, bao bì đóng gói có đầy đủ thông tin nhà sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Chung tay phát triển ngành hồ tiêu bền vững

Sau vụ việc này, VPA đã có khuyến cáo tới các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn với việc mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý.

Để bảo vệ thương hiệu, uy tín của ngành, các doanh nghiệp tuyệt đối không mua của những nhà cung ứng không đạt yêu cầu chất lượng, không ham mua rẻ cũng như không chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu với giá quá thấp so với giá thị trường tại thời điểm của một vài nhà nhập khẩu.

Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn? ảnh 2Nông dân Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2017-2018. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

VPA cũng kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống, nơi hạt tiêu có thể bán cho người tiêu dùng trong nước.

Về phía VPA cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa khâu thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin mang tính cảnh báo cho các hội viên về những điều bất ổn trong thương mại hồ tiêu để những hiện tượng làm ăn bất chính không còn tồn tại.

Trước thực trạng sản xuất, chế biến và xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam, trước yêu cầu của thị trường thế giới, ngành hồ tiêu cần tập trung nguồn lực vào khâu sản xuất và sau thu hoạch; trong đó đặc biệt quan tâm tới quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, có chiến lược và hành động cụ thể từ nghiên cứu, chuyển giao, khuyến nông đào tạo tới việc tổ chức liên kết sản xuất-tiêu thụ, cung cấp thống tin canh tác sản xuất, và thông tin thị trường cho từng vùng sản xuất.

Bên cạnh đó, tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo chuỗi, có chứng nhận xuất xứ vùng trồng, giảm bớt trung gian trong khâu mua nguyên liệu để có thể kiểm soát được chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn, có giá trị gia tăng tốt như Mỹ, châu Âu...

Theo các chuyên gia, xét trên nhiều yếu tố, trong tương lai Việt Nam vẫn sẽ là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, có thể chi phối thị trường gia vị thế giới nên cần sớm hình thành sàn giao dịch hàng hóa hồ tiêu để hồ tiêu Việt Nam thực sự trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp cao từ tổ chức sản xuất tới tiêu thụ.

Đồng thời giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro về giá cả và thương mại cho cả nông dân trồng hồ tiêu và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm từ hồ tiêu, có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hồ tiêu như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... đi kèm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) về lĩnh vực này để gia tăng giá trị hồ tiêu Việt Nam.

Để đảm bảo cho ngành hàng hồ tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập cần có sự rà soát, đánh giá, định hướng phát triển và xây dựng các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nâng cao về giá trị và hiệu quả kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.