Hỗ trợ 50% phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước: Nhà nhập khẩu nói gì?

Theo Audi Việt Nam, việc giảm thuế trước bạ cần phải áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, và đây là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ 50% phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước: Nhà nhập khẩu nói gì? ảnh 1Nhiều hãng xe nhập khẩu cho rằng, việc hỗ trợ 50% phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là thiếu công bằng. (Nguồn: vietnamfinance.vn)

Mặc dù mới là đề xuất và lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19; trong đó có nội dung hỗ trợ 50% phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng Audi Việt Nam và nhiều hãng xe nhập khẩu cho rằng đây là ưu đãi thiếu công bằng.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Audi Việt Nam cho biết, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Nghị quyết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay.

Tại Điểm 3.d của dự thảo Nghị quyết đặt vấn đề cụ thể: “Đánh giá tác động để có thể xem xét cho việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một thời gian trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra.”

Do đó, việc chỉ giảm 50% phí trước bạ đối với các xe sản xuất lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng dễ thấy sự khác biệt xét trên toàn quốc.

Ông Laurent Genet dẫn chứng số liệu doanh số bán ôtô tại Việt Nam năm 2020 tăng 3% so với năm 2019.

Trong nửa cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước đã giúp doanh số bán ôtô sản xuất lắp ráp trong nước tăng 19%, trong khi doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc lại giảm 33% trong năm 2020.

Bước sang năm 2021, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước buộc tất cả doanh nghiệp ôtô phải tạm ngừng kinh doanh ở những địa phương này.

Trong khi đó, các đơn vị nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam phân phối như: Audi, Jaguar Land Rover, BMW, Porsche, Volvo, Subaru, Volkswagen... đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động do giãn cách xã hội.

Thế nhưng, những doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho, nguồn nhân lực và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

[Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô]

“Các hạn chế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, do đó chúng tôi đề nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu mà đây cũng là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng,” văn bản của Audi Việt Nam nêu rõ.

Cùng quan điểm trên, bà Lê Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hình tượng ôtô Việt Nam (MIV) - Đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm xe mang thương hiệu Subaru (Nhật Bản) cho rằng, MIV và các đại lý ủy quyền trên toàn quốc đang sử dụng 100% lao động Việt Nam với gần 3.000 người.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 và tuân thủ Chỉ thị 16 của Chính phủ, MIV cùng tất cả các đại lý ủy quyền tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phải đóng cửa ngừng hoạt động trong nhiều tháng, hoàn toàn không có doanh thu.

Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động để giúp người lao động duy trì cuộc sống thường nhật, trang trải các chi phí thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng cho hàng tồn kho dù không kinh doanh được.

Những khó khăn hiện doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu như MIV đang gặp phải cũng tương tự như khó khăn của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Do đó, MIV mong muốn Chính phủ xem xét và áp dụng chính sách hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ đối với tất cả các loại xe ô tô, gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu để doanh nghiệp được duy trì, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động vượt qua đại dịch COVID-19.

Hỗ trợ 50% phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước: Nhà nhập khẩu nói gì? ảnh 2Dây chuyền sản xuất ôtô của VinFast. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện Volkswagen Việt Nam cũng cho hay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và diễn ra ở phạm vi rộng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nên dự thảo chỉ ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp của trong nước sẽ gây khó khăn không nhỏ với xe nhập khẩu.

Do đó, Volkswagen Việt Nam đề nghị nên có sự công bằng cho tất cả khách hàng mong muốn sở hữu xe, dù họ chọn thương hiệu nào và như thế cũng tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng do đại dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, khoảng 4 tháng gần đây sức tiêu thụ của thị trường ôtô trong nước liên tiếp sụt giảm, tháng sau giảm mạnh hơn tháng trước (từ mức giảm 3% trong tháng Tư lên mức 32% trong tháng Bảy vừa qua) và được các doanh nghiệp đánh giá đang ở giai đoạn khó khăn.

Để kích thích sức mua và giữ được doanh số bán hàng, các hãng xe liên tiếp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ để kích cầu thị trường, nhưng doanh số bán xe vẫn ảm đạm.

Từ khó khăn của đại dịch COVID-19, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Ninh Bình (nơi có nhà máy ôtô Hyundai Thành Công - TC Motor) và Quảng Nam (nơi có nhiều nhà máy ôtô của Thaco) cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước; trong đó, đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người dùng.

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia về ôtô, anh Vĩnh Nam cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sau đợt dịch và cũng là cơ hội để giải phóng số lượng lớn xe tồn kho từ tháng 5 đến nay và cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo chuyên gia này, ở thị trường Việt Nam xe ôtô nhập khẩu chiếm số lượng không nhỏ so với xe lắp ráp và các cơ quan chức năng cũng nên xem xét việc hỗ trợ một phần đối với các đơn vị nhập khẩu.

Lý do vì các xe nhập khẩu thời gian qua cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến giá thành do tác động từ việc thiếu chip sản xuất, chi phí logistic tăng cao cũng như các chi phí kho bãi, ngân hàng và các chi phí khác, nhưng giá bán xe cũng chưa điều chỉnh tăng do áp lực từ xe lắp ráp trong nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay để phí và giá cao người dân sẽ không có tiền mua.

Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sẽ kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, lưu thông hàng hóa, khôi phục đà tăng trưởng và có nguồn thu trở lại.

Tuy nhiên, việc chỉ giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất lắp ráp trong nước mà không giảm cho ôtô nhập khẩu cần xem xét thấu đáo để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tránh phân biệt giữa xe nội hay xe ngoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tại một đại lý bán xe của Honda ở Burlingame, California (Mỹ) ngày 6/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nghệ lái xe tự động "cực đỉnh" của Honda

Ngày 9/10 Honda thông báo đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên trên thế giới cung cấp công nghệ lái xe tự động cho phép tài xế rời mắt khỏi đường trong hầu hết các tình huống giao thông.