Công tác đối ngoại địa phương luôn được Bộ Ngoại giao chú trọng, chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương và bộ, ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước.
Triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương
Nhiều hoạt động đối ngoại được các địa phương trên cả nước tổ chức như: Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức và đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Đến nay, các địa phương đã ký kết 232 thỏa thuận quốc tế, vận động ước đạt trên 270 triệu USD viện trợ phi chính phủ nước ngoài; cấp mới, bổ sung, gia hạn gần 227 giấy phép cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 8 tỷ USD (bằng 101% so cùng kỳ).
Ông Lê Quang Long, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố cho biết năm 2019, hoạt động đối ngoại của thành phố tiếp tục được triển khai theo hướng chủ động, tích cực, đúng kế hoạch, đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ trên các kênh đối ngoại Đảng, chính quyền và nhân dân.
Quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế của thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng, với 11 bản thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa chính quyền và các sở, ngành, thành phố với các đối tác nước ngoài, nâng tổng số địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố lên 53 địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức nhiều lễ hội văn hóa tiêu biểu nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh thành phố tới cộng đồng quốc tế.
Sau hơn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thu hút hơn 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có quan hệ với trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên đà hợp tác phát triển, thành phố Đà Nẵng đã chủ động xúc tiến và có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với các đối tác Lào, ký Bản ghi nhớ (MOU) về quan hệ hữu nghị, hợp tác với 5 tỉnh Nam Trung Lào gồm: Attapeu, Sekong, Salavan, Champasak và Savannakhet.
Trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản, thành phố Đà Nẵng đã ký kết ghi nhớ thiết lập quan hệ chính thức với 4 thành phố Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu và có mối quan hệ hợp tác với trên 20 tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, hiện có hơn 190 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD đang có hiệu lực tại Đà Nẵng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế biến, điện tử, dịch vụ giáo dục và du lịch.
Tỉnh Yên Bái đã triển khai hợp tác với tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp). Giám đốc Sở Ngoại vụ Yên Bái Nguyễn Tiến Dũng cho biết qua 18 năm, hợp tác giữa hai địa phương diễn ra hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, nông nghiệp phát triển nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường.
Thông qua đó, hai bên đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng để các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương làm chủ các dự án mà hai bên cùng hợp tác với giá trị hàng chục tỷ đồng.
Ông Rémi Lambert, Đại biện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho biết hợp tác phi tập trung Việt-Pháp là hoạt động đặc thù và đem lại giá trị gia tăng lớn trong các hoạt động của Pháp tại Việt Nam.
[Gặp mặt cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, phi chính phủ]
Hợp tác thông qua hình thức này rất đa dạng với hơn 240 dự án đã được triển khai trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, y tế, văn hóa, Pháp ngữ, nước sạch và vệ sinh, phát triển nông thôn, di sản, môi trường, giáo dục/nghiên cứu, đào tạo nghề, trao đổi kinh tế...
Ông Rémi Lambert khẳng định các dự án đều có vai trò trong sự phát triển kinh tế-xã hội hoặc thiết lập các quan hệ đối tác giữa các địa phương có điều kiện tương đồng như giữa Vùng Ile-de-France và Hà Nội, Vùng Grand Lyon và Thành phố Hồ Chí Minh, giữa Brest và Hải Phòng.
Thông qua hình thức hợp tác này, các địa phương hai nước được chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm góp phần tăng cường năng lực và kỹ thuật của đối tác đồng thời giúp duy trì quan hệ văn hóa và hữu nghị gắn kết giữa hai nước.
Nhằm xúc tiến đầu tư có hiệu quả, phát triển hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và các lĩnh vực khác, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác với nhiều địa phương các nước như Luang Prabang, Xay Nhạ Buly, Hủa Phăn (Lào), Shizuoka (Nhật Bản), Gangwon, Jeju (Hàn Quốc), San Diego, San Francisco (Hoa Kỳ)...
Hiện Quảng Ninh có 105 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn hiệu lực đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,1 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp.
Về mặt văn hóa đối ngoại, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO: công nhận hai Công viên địa chất toàn cầu (tại Đắk Nông và Lý Sơn Sa Huỳnh, Quảng Ngãi); hai Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật Xòe Thái”; đề nghị (của thành phố Hà Nội) cùng vinh danh danh nhân Chu Văn An...; công nhận Hà Nội là Thành phố sáng tạo, đồng thời tổ chức tốt nhiều hoạt động quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc cho bạn bè quốc tế.
Công tác bảo hộ công dân đã tiến hành bảo hộ 10.281 công dân Việt Nam ở nước ngoài; 129 vụ/202 tàu/1.730 ngư dân, công tác biên giới lãnh thổ, công tác thông tin đối ngoại, khen thưởng đối ngoại cũng được các địa phương tích cực triển khai.
Việt Nam đã tạo điều kiện cho hơn 300 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 4.000 phóng viên vào tác nghiệp tại các địa phương, thường xuyên hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin đối ngoại và kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức.
28/63 địa phương đã kiến nghị tặng kỷ niệm chương, bằng khen, huân-huy chương cho 184 tập thể và 262 cá nhân nước ngoài (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) có đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, phát triển tại địa phương.
Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại cho các địa phương thường xuyên được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực. Sự đóng góp của Bộ Ngoại giao (trong đó bao gồm 96 cơ quan đại diện của Việt Nam trên thế giới) trong những thành quả đó nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ và các địa phương, bộ, ngành ghi nhận đánh giá cao.
Sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hết sức quan tâm đến việc phát huy vai trò, sức mạnh của các tỉnh, thành phố trong hoạt động đối ngoại toàn diện. Vì vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của các địa phương nói chung, tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương nói riêng, không chỉ là nhu cầu nội tại nhằm huy động, khai thác triệt để nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của đất nước về hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cần đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có chọn lọc FDI, tranh thủ ODA và các nguồn thay thế; khai thác hiệu quả hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý.
Quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại về hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng XII đã đúc kết, trong đó nêu rõ hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương các nước để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; làm tốt việc quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
Công tác nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Chính quyền các địa phương về công tác đối ngoại địa phương cần được đẩy mạnh; tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Thực hiện, xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa và Chiến lược thông tin tuyên truyền đối ngoại sau 2020, trong đó tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa thành Kế hoạch hành động quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành nghề và sản phẩm; thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài và công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trên cơ sở yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn, Bộ Ngoại giao và tất cả Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương.
Bộ Ngoại giao và tất cả Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; hỗ trợ địa phương triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Bộ Ngoại giao phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, phòng chống đưa người di cư trái phép, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng thu hút nguồn lực trí thức, chuyên gia người địa phương ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Bộ quan tâm, hỗ trợ bồi dưỡng các cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương theo các Đề án về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại giai đoạn 2016-2020 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, kết nối về kinh tế, thương hiệu, thu hút nguồn lực cho phát triển, gia tăng “sự hấp dẫn” của địa phương Việt Nam./.