Hỗ trợ doanh nghiệp chớp thời cơ phát triển chuỗi giá trị

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Hỗ trợ doanh nghiệp chớp thời cơ phát triển chuỗi giá trị ảnh 1May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 24/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) tổ chức Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị bền vững nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng sức mạnh, đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư nước ngoài FDI và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước.

Tuy nhiên, sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn rời rạc, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các doanh nghiệp cũng cần thẳng thắng nhìn nhận thực tế. Đó là sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao.

Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

“Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay. Từ đó, vươn ra thị trường nước ngoài để có tiếp cận công nghệ tiên tiến. Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

[Liên kết xây dựng chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa]

Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cho biết dịch COVID-19 tác động nặng nề tới kinh tế; đặc biệt là doanh nghiệp. Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ giúp khu vực kinh tế tư nhân phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững.

“ Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị. Cùng với Dự án USAID-LinkSME triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu...” ông Michael Greene nhấn mạnh.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy, do đó, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu, bị sụt giảm về doanh thu, tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động. Họ đang phải xoay xở để có thể lấy lại đà phát triển trước đó và duy trì sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh như Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.

Những nỗ lực kịp thời này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào thảo luận những nội dung chính như: khó khăn, thách thức, cơ hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị - kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…

Ngoài ra, các đại biểu cùng tìm hiểu những kỳ vọng và yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi; thảo luận các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó ngay với những thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng, chủ động nắm bắt các cơ hội thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.