Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đơn giản hóa thủ tục thành lập

Để đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh thì bắt buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đơn giản hóa thủ tục thành lập ảnh 1Quang cảnh dự hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ngày 24/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo về đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập do Ủy ban Kinh tế của APEC tổ chức.

Theo ông Francisco Reyes, Tổng Giám đốc của Sociedades, đại biểu đến từ Colombia, chủ đề chính của hội thảo này là chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hội thảo giúp các thành viên APEC hiểu những yêu cầu để thực hiện cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp.

Tại hội thảo, một số đại biểu, diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã trình bày, giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh; cập nhật những thông tin mới nhất về các mô hình thực hành tốt, những chính sách, văn bản luật mới liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp ở các nền kinh tế thành viên...

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, các đại biểu cho biết nội dung của hội thảo có ích đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mà đang chiếm số lượng lớn tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp này luôn gặp khó khăn trong việc khởi nghiệp, bởi bị "bủa vây" về những thủ tục, giấy phép khi khởi nghiệp.

Điều này không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà là khó khăn của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp là vấn đề quan trọng trong sự phát triển chung của các nền kinh tế.

Theo ông Rory McLeod, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của APEC, thứ hạng của các nền kinh tế không phải là điều quá chú trọng, vì mục tiêu chung của APEC là giúp đỡ và cùng nhau phát triển. Tuy vậy, sự chênh lệch về quy mô, năng lực ở các doanh nghiệp lại khá quan trọng và dĩ nhiên, các doanh nghiệp có thứ hạng cao sẽ được lợi nhiều hơn.

Do đó, các nền kinh tế cần tham gia mạnh mẽ vào quá trình cải cách này trong khu vực để cùng nhau giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực cũng như nền kinh tế nội địa.

[APEC 2017: Thuận lợi hóa thương mại và thúc đẩy nền kinh tế số]

Chia sẻ với phóng viên một số kinh nghiệm thực tế được áp dụng ở nền kinh tế Trung Quốc, ông Zhang Ming Shen, Đại biểu đến từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, ở một số tỉnh, các công ty khi muốn thành lập mới không phải đi ra ngoài để xin giấy phép kinh doanh, thay vào đó họ có thể đăng ký trực tiếp trên hệ thống đăng ký điện tử, giúp thời gian xử lý có thể ngắn hơn rất nhiều. Một số công đoạn (thủ tục) có thể thực hiện trước để doanh nghiệp sớm lấy được giấy phép, sau đó mới thực hiện các thủ tục hành chính sau.

Theo ông Zhang Ming Shen, muốn đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh thì việc đầu tiên là phải chú ý đến cải cách cơ chế thể chế; đồng thời đơn giản hóa những thủ tục ban đầu bằng cách ứng dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật thông qua Internet.

Một số chuyên gia khác cho rằng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh thì bắt buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế cấp mã số doanh nghiệp tự động để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; đẩy mạnh việc công khai hóa thông tin và thành lập và hoạt động của doanh nghiệp... cũng là biện pháp cải cách thủ tục hành chính hữu hiệu trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các nền kinh tế có thể căn cứ vào các Báo cáo về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới để rút kinh nghiệm cũng như học hỏi, áp dụng vào thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.