Tìm cách để doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là nội dung được các chuyên gia đề cập tại Diễn đàn Xúc tiến Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/1.
Bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt, nhấn mạnh năm 2023 tình hình xung đột, chiến tranh và biến động kinh tế, tài chính toàn cầu diễn ra phức tạp, giao thương của các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng năng nề, gây nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn và đầy thử thách đó, xuất khẩu các loại nông sản Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực.
Qua khảo sát các siêu thị tại Hoa Kỳ cho thấy nhu cầu các loại nông sản của Việt Nam tại đây rất lớn nhưng đa số đều được tiêu thụ dưới thương hiệu của nước ngoài. Đây là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và những người làm thương hiệu tại Việt Nam.
Theo bà Phan Thị Mỹ Yến, việc Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường này ngày càng dễ dàng hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, phát triển doanh số, gia tăng uy tín doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường, sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam phải xây dựng thương hiệu một cách khoa học, xây dựng quy trình và đầu tư sản xuất bài bản để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, tạo uy tín và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng khẳng định Hoa Kỳ là một thị trường có sức tiêu thụ rất lớn, là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để xâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Trong bối cảnh khó khăn, biến động thị trường, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là trụ cột, bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, tăng cao năng suất, chất lượng,” ông Phùng Đức Tiến thông tin thêm.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định cánh cửa thị trường Hoa Kỳ đã mở rộng, do đó cần có chính sách, biện pháp triển khai hiệu quả.
Doanh nghiệp cần tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.
Vận dụng Kinh tế Số, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp đối tác Hoa Kỳ qua chuỗi giá trị, nâng cao độ tin cậy, hợp tác có hiệu quả.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ cũng đang đứng trước những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để tận dụng được các lợi thế xuất khẩu hàng hóa.
Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (truy xuất nguồn gốc bông của hàng dệt may, truy xét tôm có được trợ cấp...).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh với nhiều đối tác khác từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi...
Việt Nam sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư của doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ
Với chính sách cởi mở, cơ sở hạ tầng chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn nhân lực chất lượng cao..., Việt Nam đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón nhận các dự án đầu tư của doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ.
Ngoài thương mại hàng hóa, Hoa Kỳ cũng được xem là địa điểm đầu tư khá hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường.
Ông Huỳnh Minh Triết, Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin Việt Nam-Hoa Kỳ hướng đến mối quan hệ hợp tác bền vững và cân bằng.
Bên cạnh nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam, Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất như bông sợi, gỗ và nhiều mặt hàng khác...
Hoa Kỳ cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, từ hàng tiêu dùng, dệt may, năng lượng, dược sinh học, ôtô, máy móc thiết bị, du lịch khách sạn...
"Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, đồng thời là “bệ phóng” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Mỹ.
Khi đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để tiết kiệm chi phí và đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng là nơi có nguồn lực tài chính dồi dào với mạng lưới quỹ đầu tư tư nhân sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài," ông Huỳnh Minh Triết chia sẻ thêm./.