Australia là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ về điều tra phòng vệ thương mại. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin để phòng ngừa hiệu quả.
Đây là khuyến cáo của các chuyên gia tại toạ đàm hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do Australia tiến hành đối với hàng xuất khẩu Việt Nam do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8.
Thị trường tiềm năng
Ông Chu Thắng Trung - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cho biết, trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường mới khi thuế quan được cắt giảm nhanh, mạnh và đa phần dòng thuế xuất khẩu mặt hàng chủ lực đều sẽ về 0%.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga - Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam-Australia tăng trưởng liên tục. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Australia giai đoạn 2011-2021 tăng trung bình 11,5%.
Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam trong năm 2021 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 49% so với năm trước. Theo thống kê mới nhất, bảy tháng năm 2022, Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam.
Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng hoá gần 250 tỷ USD/năm. Dù quy mô dân số của Australia khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng và cũng cởi mở với hàng hoá nhập khẩu - bà Nga phân tích.
Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Australia là cơ cấu hàng hoá của hai quốc gia mang tính tương hỗ nhau rất tốt. Việt Nam xuất khẩu sang Australia nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc, phương tiện vận tải và sắt thép các loại.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Australia nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu da giày, than đá, quặng sắt, sữa các sản phẩm từ sữa, hoá chất và các sản phẩm từ hoá chất.
Ngoài ra, Việt Nam-Australia còn là đối tác trong ba FTA chung là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
['Cứ hai tuần VN phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại']
Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích, với việc có cùng lúc ba FTA chung, Việt Nam-Australia có rất nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại; trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt và lộ trình cắt giảm thuế có lợi hơn để áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Ngoài hợp tác thương mại hàng hoá, Việt Nam-Australia còn xác định đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như tài nguyên-năng lượng, kinh tế số và cung ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Chủ động phòng ngừa và xử lý rủi ro
Ông Chu Thắng Trung cho rằng, bên cạnh cơ hội thị trường, việc hội nhập vẫn có những thách thức; trong đó, bao gồm việc hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đối diện nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Nếu bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thì doanh nghiệp có thể bị áp thuế xuất khẩu với mức cao hơn trước giảm thuế từ cam kết FTA, bị mất một phần thị trường, thậm chí mất luôn thị trường đó nếu không thể cạnh tranh được.
Tính đến nay, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành đối tượng của 222 vụ điều tra phòng vệ thương mại; trong đó, Australia là một trong những quốc gia khởi xướng nhiều cuộc điều tra hàng hoá Việt Nam với 18 vụ việc.
Các sản phẩm thép mạ, thép chính xác, thép dây, nhôm, đồng, hoá chất, một số sản phẩm ngành chế biến chế tạo là đối tượng thường bị đưa vào tầm ngắm. Ngoài những vụ việc đã xảy ra, một số mặt hàng như giấy, dây cáp điện, các mặt hàng gia dụng cũng đang có nguy cơ - ông Trung thông tin.
Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại Phùng Gia Đức cho biết, trong hội nhập quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới WTO và Hiệp định FTA đều cho phép các quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại khi cần thiết.
Do đó, các quốc gia có xu hướng sử dụng phòng vệ thương mại để ổn định sản xuất, bảo vệ việc làm cho người lao động khi hàng nhập khẩu gia tăng tạo sức ép cạnh tranh đối với ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thép và các sản phẩm kim loại, hóa chất, dệt may, giấy, gạch ốp lát, thực phẩm chế biến và gỗ... là nhóm mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Tính đến tháng 6/2022, Australia đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đều ở loại hình chống bán phá giá và chống trợ cấp, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm thép (61%) và kim loại khác (16.7%). Số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Theo ông Đức, các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có nguy cơ bị Australia điều tra phòng vệ thương mại như thép kết cấu rỗng, giấy A4, kính nổi, chậu rửa bằng thép không gỉ, dây cáp điện, các sản phẩm hóa chất như hoạt chất glyphosate, polyetylen mật độ cao… do Australia đã từng điều tra những sản phẩm tương tự từ một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… theo xu hướng điều tra "domino."
Thông qua việc ứng phó với những vụ việc thời gian qua, ông Đức cho rằng, để đạt được kết quả có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ với hiệp hội và doanh nghiệp.
Cụ thể, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Chính phủ trong đó có Cục Phòng vệ thương mại và hiệp hội nhằm trao đổi thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và hỗ trợ nêu quan điểm với cơ quan điều tra; đồng thời, xây dựng một chiến lược kháng kiện rõ ràng, xuyên suốt để đạt được hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, cần sự chủ động hợp tác tích cực không chỉ trong giai đoạn điều tra ban đầu mà còn trong các đợt rà soát hàng năm và rà soát cuối kỳ (thông qua việc thuê luật sư tư vấn, trả lời đầy đủ các bản câu hỏi, tham gia thẩm tra...). Rà soát hàng năm và rà soát cuối kỳ là cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện mức thuế và đạt được kết quả dỡ bỏ toàn bộ lệnh áp thuế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần cân nhắc rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Doanh nghiệp nên hướng tới tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại để có ứng xử phù hợp.
Quan trọng nhất trong thương mại quốc tế là tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về tài chính lẫn uy tín, hình ảnh doanh nghiệp và ngành hàng với đối tác./.