Các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh doanh hợp tác xã là sự kết hợp cách quản lý một doanh nghiệp với cách quản lý kiểu hộ gia đình.
Vì vậy, muốn hợp tác xã phát triển, người lãnh đạo hợp tác xã phải thấu hiểu tường tận sản phẩm như một nông dân và nắm bắt tín hiệu thị trường nhanh nhạy như một doanh nghiệp.
Mỗi hợp tác xã có một sản phẩm đặc trưng riêng biệt thì cần phải có sự sáng tạo riêng biệt mới có thể thành công.
Trực tiếp kết nối tiêu dùng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2017, các hợp tác xã đã tự nâng cao năng lực sản xuất của mình trước tình trạng thiếu vốn sản xuất, khó tiếp cận vốn tín dụng.
Cụ thể, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt hơn 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm và thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã đạt hơn 35 triệu đồng/lao động/năm.
Thậm chí, có nhiều liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (Tp. Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu (Long An), Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng), Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản Việt Nam…
Để có thể vượt qua những trở ngại về vốn, cũng như năng lực xây dựng phương án kinh doanh để tiếp cận vốn, nhiều hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp để xoay vòng sản phẩm, tạo nguồn thu cho hợp tác xã.
Cũng có hợp tác xã chủ động tận dụng các phương tiện truyền thông, thông tin để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, kinh doanh sản phẩm của mình hiệu quả nhất.
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ, từ năm 2016 Ban Quản trị Hợp tác xã đã có ý tưởng sẽ quảng bá thương hiệu xoài của Hợp tác xã Mỹ Xương cũng như mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng đến với người tiêu dùng cả nước.
Bằng ý tưởng này, người tiêu dùng trong cả nước có thể đặt hàng mua toàn bộ số trái trên cây xoài đã ký hợp đồng mua bán. Ban Quản trị đăng toàn bộ thông tin về cách chăm sóc xoài, số lượng cây, quá trình thu hoạch và giao hàng lên trang website của hợp tác xã.
Cụ thể, người mua chỉ cần vào trang website của hợp tác xã, chọn cây ưng ý như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu hay xoài tượng. Sau đó ký hợp đồng, khách hàng sẽ được sở hữu toàn bộ số trái trên cây trong 1 năm.
Nhà vườn sẽ là người chăm sóc cây xoài và thông báo cho khách hàng sự phát triển, ra hoa, đậu quả.
Sau khi thu hoạch, nhà vườn sẽ đóng gói và chuyển trực tiếp đến với người tiêu dùng. Ước tính, mỗi cây có thể thu hoạch từ 70 kg đến 150 kg/vụ.
Những cây xoài được chọn đưa lên website phải đảm bảo các tiêu chí to khỏe, đẹp, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, vườn cây cũng phải sạch sẽ. Mỗi cây được tính giá riêng căn cứ vào độ tuổi, lượng trái trung bình, chất lượng trái.
Bằng sự sáng tạo này, hợp tác xã đã trực tiếp đưa trái xoài đến người tiêu dùng hiệu quả, nâng sản phẩm bán ra từ 40 cây trong năm 2016 lên 100 cây trong năm 2018.
Dự kiến đến cuối năm 2018, hợp tác xã có thể kết nối trực tiếp 200 cây xoài với khách hàng cả nước.
[Hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn]
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao
Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cả nước có khoảng 20% hợp tác xã có khả năng tự lực về vốn. Nhưng chính các hợp tác xã tự biến khó khăn bằng lợi thế để phát triển bằng hình thức hợp tác với doanh nghiệp.
Đồng thời, chuyển giao công nghệ, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong hơn 12.000 hợp tác xã nông nghiệp của cả nước, hiện có hơn 190 hợp tác xã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mặc dù trình độ nhân lực vẫn còn hạn chế. Đây là con số còn khá khiêm tốn trước tiềm năng phát triển mạnh của hợp tác xã hiện nay.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.
Cùng đó, thí điểm hình thành các đơn vị tư vấn hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã. Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ vốn sản xuất cho hợp tác xã.
Ông Lê Xuân Lực, thành viên Hợp tác xã Nấm Phúc Thịnh, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chia sẻ, trước yêu cầu cạnh tranh sản phẩm của thị trường, sản phẩm của Hợp tác xã phải đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành thấp mới tăng cơ hội được lựa chọn.
Vì vậy, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, Hợp tác xã Nấm Phúc Thịnh đã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Nguyên (Bình Thuận) hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hệ thống nhà lưới kết hợp hệ thống tiết kiệm nước để sản xuất măng tây công nghệ cao.
Sau 7 tháng, Hợp tác xã có thể thu hoạch măng tây và được Công ty thu mua. Khi thực hiện sản xuất thành công, Công ty Hoàng Nguyên chuyển giao công nghệ sản xuất măng tây cho Hợp tác xã để các thành viên tự nhân rộng và phát triển.
Khi đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, các hợp tác xã sẽ bỏ ra nhiều kinh phí để thực hiện.
Đây là điểm mấu chốt mà hợp tác xã nào cũng phải trăn trở. Nhưng đầu tư công nghệ cao vào sản xuất có thể giúp diện tích sản xuất không bị sâu bệnh tấn công, giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật, giảm nguồn nước tưới cũng như cách canh tác sạch, cho ra sản phẩm sạch sẽ dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn, có nhiều khả năng được lựa chọn xuất khẩu.
Đây là điều thúc đẩy nhiều hợp tác xã mạnh dạn và quyết tâm huy động vốn vào áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Liên quan tới bài toán vốn, đại diện một số hợp tác xã kiến nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đây sẽ là trợ lực cần thiết để các hợp tác xã nông nghiệp có được “điều kiện đủ,” từng bước ứng dụng công nghiệp vào sản xuất./.