Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Nga đầu tư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thừa nhận Trung ương cần xem xét lại các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết với Cộng hòa Liên bang Nga để đưa mối quan hệ hợp tác phát huy hiệu quả.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Nga đầu tư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1(Nguồn: vietsov)

Ngày 7/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng Đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về “tình hình thực hiện các điều ước quốc tế song phương đã ký kết giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga” tại địa phương.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thừa nhận Trung ương cần xem xét lại các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết với Cộng hòa Liên bang Nga để đưa mối quan hệ hợp tác phát huy hiệu quả.

Cụ thể, các điều ước phải tập hợp thông tin đầy đủ về cả hai phía Việt Nam và nước bạn Nga. Từ đó, có chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể, có chính sách hỗ trợ, chọn địa phương làm điểm nhấn triển khai, lan tỏa.

Đối với các kiến nghị của địa phương về đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng tỉnh cần đánh giá, chọn lựa những hạng mục trong khả năng thực hiện và tích cực phối hợp với Trung ương để triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro nhiều năm qua đã góp phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như cả nước.

Tỉnh vẫn rất mong muốn và sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp từ nước Nga đầu tư phát triển tại tỉnh, trong đó, điển hình như dự án của Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro tại huyện Xuyên Mộc được tỉnh bố trí tại một vị trí đẹp, rộng tới 90ha để triển khai.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tịnh cũng thừa nhận, bên cạnh Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro, hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương của nước Nga chưa được như kỳ vọng, chủ yếu là các hoạt động giao lưu, chưa đi vào chiều sâu thông qua các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh với nước Nga còn rất hạn chế và chủ yếu là các mặt hàng thủy hải sản, may mặc.

[Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro khai thác dầu khí vượt xa kế hoạch]

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, tỉnh vẫn luôn quan tâm và rất yêu quý thị trường Nga. Bằng chứng là năm nào cũng có đoàn của tỉnh hoặc kết hợp với bộ ngành để đi thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác tại nước Nga.

Các đại biểu cho rằng nguyên nhân việc thực hiện các điều ước quốc tế song phương với các địa phương của Nga còn hạn chế phần nhiều là do điều kiện địa lý với khoảng cách quá xa, giao thông đi lại không thuận tiện; Trung ương chưa có định hướng cho mỗi địa phương nên tổ chức hợp tác ở loại hình, lĩnh vực nào; yêu cầu của doanh nghiệp chưa đáp ứng được…

Đến nay, trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác, cam kết quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành tìm hiểu và ký văn bản thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với chính quyền 4 địa phương của Nga gồm: tỉnh Rostov (năm 2000), tỉnh Sverdlovsk (năm 2000), Khu tự trị Nenetskiy (năm 2010) và Cộng hòa Bashkortostan (năm 2017).

Ngoài ra, một số thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký kết như Hiệp định Liên chính phủ về Rusvietpetro (tháng 12/2018), Hiệp định về tiếp tục thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam trong khuôn khổ Vietsovpetro (tháng 12/2010)… có tác động quan trọng đến việc thành lập, vận hành của các doanh nghiệp, liên doanh dầu khí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Trong năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến ký kết Chương trình hành động thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác với Chính quyền Khu tự trị Nenetskiy giai đoạn 2019-2021.

Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tích cực, duy trì và phát triển tốt quan hệ với các địa phương của Nga đã thiết lập quan hệ hợp tác-hữu nghị chính thức thông qua các hoạt động trao đổi các đoàn công tác thăm, làm việc; tổ chức các đoàn giao lưu nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, họp mặt, mít tinh nhân các ngày lễ, sự kiện trong đại của hai nước; mở các gian hàng thương mại; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại… đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.