Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu hoàn thành 91,8% kế hoạch

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu sẽ tăng 7 - 8% và kim ngạch xuất nhập khẩu cán đích 500 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được trong tháng tới, đồng thời 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp.
Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu hoàn thành 91,8% kế hoạch ảnh 1Sau 11 tháng, xuất khẩu đã hoàn thành gần 92% kế hoạch. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng tiếp tục duy trì tăng trưởng và tiến gần hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, con số 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến sẽ đạt được trong năm nay.

Lực đẩy từ nhóm công nghiệp chế biến

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 11, xuất khẩu đem về khoảng 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

[Thủ tướng: 'Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào Chính phủ]

Thông tin thêm, theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Rõ nét nhất là trong năm nay động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ thì ở chiều ngược lại nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu.

- Đóng góp của các nhóm hàng trong 11 tháng:

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 19,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,2%; giày dép tăng 12,5%; kim loại thường khác tăng 11,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%.

“Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp,” lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Xuất siêu 4 năm liên tiếp

Ở chiều ngược lại, trong tháng 11/2019, nhập khẩu ước đạt 22,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng lên con số 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng ở một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,1%; Vải các loại tăng 4,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,7%...

Là một trong những ngành đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, năm 2019 xuất khẩu dệt may dự kiến đem về khoảng 40 tỷ USD.

Nhìn lại chặng đường gần một năm qua, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết dù thị trường thế giới rất nhiều khó khăn, song đối với Vinatex, đến giờ phút này các chỉ tiêu tài chính được đặt ra từ đầu năm đều cơ bản hoàn thành và tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.

“Có thể nói, đây là nỗ lực lớn của Vinatex và phải bằng nhiều giải pháp mới có thể vượt qua được năm 2019 trong bối cảnh rất nhiều thách thức,” ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu hoàn thành 91,8% kế hoạch ảnh 2Dự báo 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù còn gần một tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (đạt 263 tỷ USD).

Cùng với tăng trưởng xuất khẩu ở mức khá cao, đã giúp cán cân thương mại hàng hóa sau 11 tháng năm 2019 xuất siêu tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với con số 7,58 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á… Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Với tín hiệu này, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu sẽ tăng 7 - 8% và kim ngạch xuất nhập khẩu cán đích 500 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được trong tháng tới, đồng thời 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.